Anh: Ảnh hưởng của tổng tuyển cử đến thị trường chứng khoán nhìn từ lịch sử

Các nhà phân tích cho rằng thị trường chứng khoán Anh sẽ phản ứng tích cực với khả năng Công đảng có thể quay trở lại nắm quyền sau 14 năm.

Giao dịch viên tại sàn chứng khoán London, Anh. (Anhr: Reuters)

Giao dịch viên tại sàn chứng khoán London, Anh. (Anhr: Reuters)

Vương quốc Anh chỉ còn chưa đến 6 tuần nữa là đến tổng tuyển cử. Theo các cuộc thăm dò ý kiến, Công đảng có thể quay trở lại nắm quyền sau 14 năm.

Các nhà phân tích cho rằng thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tích cực với kết quả này.

Trong một báo cáo mới đây phân tích biến động cổ phiếu từ năm 1979, ngân hàng Citi cho biết thị trường chứng khoán Anh thường "khá bằng phẳng hoặc giảm" trong 6 tháng sau các cuộc bầu cử.

Theo Citi, chỉ số MSCI UK tổng hợp các cổ phiếu vốn hóa trung bình đến lớn đã tăng khoảng 6% trong sáu tháng chiến thắng của Công đảng và giảm khoảng 5% sau chiến thắng của phe Bảo thủ.

Báo cáo cho biết thêm, chỉ số FTSE 250 vốn tập trung nhiều hơn vào nội địa có xu hướng vượt trội so với chỉ số FTSE 100 sau các cuộc bầu cử, và chỉ số này thường khởi sắc mạnh mẽ hơn sau các chiến thắng của Công đảng.

Theo công ty tư vấn Capital Economics, thị trường chứng khoán Anh đã lao dốc trong 5 lần dưới thời các chính phủ khi Công đảng cầm quyền trước đây.

Tuy nhiên, ông John Higgins, Nhà kinh tế thị trường trưởng của Capital Economics, cho rằng không thể quy hết những diễn biến đó là do Công đảng.

Ông cho biết các đợt sụt giảm này xảy ra trong thời kỳ Đại Suy thoái (Great Depression) những năm 1930, thời kỳ hậu chiến tranh những năm 1940, sau cú sốc thị trường dầu mỏ vào đầu những năm 1970, bong bóng DotCom năm 2000 và trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông Higgins cũng nhận thấy rằng diễn biến của cổ phiếu Anh "nhìn chung không mấy ấn tượng kể từ năm 2010," khi đảng Bảo thủ lên nắm quyền.

Bên cạnh đó, ông John Higgins cũng cho biết các chính phủ khi Công đảng cầm quyền trước đây đã từng trải qua năm đợt giảm giá mạnh của đồng bảng Anh trong 100 năm qua, nhưng một lần nữa, các yếu tố lớn hơn mới là tác nhân chính.

Trong đó, theo ông, ba lần có thể quy cho "sự không bền vững của chế độ tỷ giá hối đoái cố định" từ những năm 1930 đến những năm 1970, một lần do khủng hoảng tài chính và lần thứ năm do cuộc khủng hoảng nợ năm 1976.

Giám đốc điều hành của ngân hàng Barclays C.S. Venkatakrishnan nhận xét rằng sự khác biệt trong chính sách kinh tế giữa hai đảng hiện tại là “khá nhỏ.”

Các nhà phân tích dự đoán rằng, với tình hình hai đảng không có khác biệt đáng kể về chính sách tài khóa, triển vọng cho cả đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ của Anh sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào triển vọng lãi suất.

Trong một báo cáo mới đây, ông Joe Tuckey, Trưởng nhóm phân tích ngoại hối tại công ty Argentex Group, cho biết: "Phản ứng của thị trường (ngoại hối) thường mạnh nhất khi có nhiều bất ổn xoay quanh một cuộc bầu cử. Điều này không thể áp dụng cho tình hình hiện tại, và nếu nhìn vào lịch sử, chúng ta có thể kỳ vọng đồng bảng Anh sẽ tăng nhẹ trong vài tuần tới và hầu như không có phản ứng đối với kết quả bầu cử."

Ông cho biết đây cũng là kịch bản diễn ra trước thềm chiến thắng của Công đảng năm 1997, khi đồng bảng Anh chỉ tăng 2,5% trong vài tuần trước ngày bỏ phiếu. Vì thế, đồng bảng Anh có thể một lần nữa tập trung vào lạm phát và chính sách lãi suất của Ngân hàng trung ương Anh, yếu tố có thể có tác động mang tính quyết định hơn đến biến động của giá cả so với kết quả bầu cử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/anh-anh-huong-cua-tong-tuyen-cu-den-thi-truong-chung-khoan-nhin-tu-lich-su-post955682.vnp