An toàn trên giàn khoan lớn nhất Biển Bắc
Công tác bảo đảm an toàn luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu, quyết định sự vận hành hiệu quả của một giàn khoan dầu khí. Điều này cũng không ngoại lệ với Troll - giàn khoan lớn nhất trên Biển Bắc - một trong những khu vực khai thác dầu khí sôi động nhất thế giới.
Troll có chiều cao tổng thể 472m, nặng 683.600 tấn (gánh 1,2 triệu tấn thiết bị trên giàn). 4 chân đế của Troll đứng ở dưới đáy biển sâu 303m và 4 chân đế. Mỗi chân đế hình trụ như “chân voi” của Troll có độ dày thành tới 1m. Trong lòng “chân voi” này có một thang máy vận hành hơn 9 phút để đi xuống dưới đáy biển.
“Cắt bổ” 4 lòng ống “chân voi” của Troll thấy hầu hết các đường ống khai thác dầu và khí gas nằm ở trong đó, trông như “ruột cá trôi” chạy chằng chịt như trận đồ bát quái. Hệ thống máy nén cực lớn và các thiết bị giàn khoan ở đây được cấp điện từ bờ theo đường “cáp lực” cung cấp năng lượng cho “thành phố giữa biển” này, tránh phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Troll hầu như không dùng máy phát điện chạy dầu trên giàn. Công việc này do nhà thầu ABB, Zurich, Thụy Sĩ đảm nhiệm.
Troll khai thác mỗi ngày khoảng 120.000 thùng dầu và 10,5 triệu m3 khí. Khí gas từ 40 giếng dưới lòng biển sâu được bơm vào máy nén trên giàn Troll, rồi lại đưa vào bờ qua một số đường ống dưới đáy biển, tới nhà máy chế biến tại Kollsnes. Từ Kollsnes, khí gas được đẩy đi hàng chục tuyến lớn dài hàng ngàn kilômét, cung cấp cho hầu hết các quốc gia EU cũ.
Những nhà cung cấp năng lượng chiến lược của châu Âu luôn coi việc cung cấp khí gas từ những giàn khoan trên biển Bắc là yếu tố cốt lõi để sưởi ấm vào mùa đông băng giá tại lục địa già. Sản lượng của Troll lớn đến nỗi, nếu chẳng may, Troll có sự cố gì thì không chỉ các cổ đông bị tổn hại mà nửa châu Âu sẽ thiếu khí gas tức thì. Bài học từ các thảm họa giàn khoan trên biển trong vài thập niên qua cho thấy, nếu chẳng may cháy, nổ, đổ, sập, rò rỉ khí, dầu… thì các “tổ hợp thành phố trên biển” này sẽ thực sự tiêu tan và tạo nên một “thảm họa nhân loại”.
Chân đế của Troll không neo được như các giàn khác mà người ta giữ nó cố định trong bùn đáy biển. Khi cường độ sóng cao, bão biển Bắc tung hoành, sóng ngầm với tần số dao động tự nhiên khi cộng hưởng sẽ tạo ra sức phá hoại ghê gớm. Trước hết là “chân voi”. Ở độ sâu 303m, áp suất đáy biển rất lớn, cho dù 4 chân của Troll có độ dày tới 1m, đường kính mỗi chân hàng chục mét, thì cũng không thể khinh suất với thủy thần. Cứ mỗi khi xuất hiện cơn bão biển Bắc, nhích dần về phía giàn khoan là các kỹ sư an toàn của Troll phải xuống thang máy, đứng dưới độ sâu “chân voi” ấy để kiểm tra, điều chỉnh áp suất các khoang đối áp, sao cho cân bằng với áp lực đáy biển đang tăng lên.
Rò rỉ khí gas và chống cháy là công việc bất cứ người nào làm việc trên giàn đều coi trọng, không cho phép sơ suất, sơ suất không có cơ hội sửa chữa. Nhiều sự cố cháy khí giàn khoan đã xảy ra ở các châu lục, do các thiết bị phát xung điện, dù rất yếu.
Không chỉ ở Troll, mà tại cơ sở chế biến gas Kollsnes, có một kỹ sư chuyên kiểm tra thiết bị đánh lửa từ rất nhiều cơ cấu. Nhưng làm thế mới chỉ là một phía. Tại Kollsnes và giàn Troll, trên các cơ cấu di chuyển mặt bằng, các “xe” hoặc các điểm nhạy cảm đều có cảm biến nồng độ khí gas. Chưa đủ, khi cảm biến cảnh báo, nó còn lệnh cho xe dừng lập tức, máy tắt điện lập tức, không thể khởi động được, chừng nào chưa phát hiện ra điểm rò rỉ và triệt tiêu nguy cơ rủi ro.
Các đường ống chứa khí gas áp suất cao, cho dù đã được chế tạo khá cẩn thận nhưng sự ăn mòn tự nhiên, ăn mòn do ma sát cũng có thể gây rò rỉ bất thường, rò rỉ áp suất cao lại càng khó chữa. Đã có giàn khoan tiêu tan vì rò rỉ gas.
Ở Troll, người ta phải nhập một robot công nghệ cao, với giá triệu đô, có các thiết bị phát tia laser, siêu âm. Nó được đưa vào các đường ống đường kính khoảng dưới 1.000cm. Trong lúc di chuyển với tốc độ 2m/giây, nó ghi lại ở từng tọa độ, từng khoảng cách các số liệu về chất lượng, thậm chí hình ảnh của đoạn đường ống đó. Nơi nào có bất thường về kết cấu ống, kiểu như có sự cố “thành mạch”, sẽ được các chuyên gia phân tích, cô lập đường ống tạm thời để xử lý, loại trừ sớm nguy cơ rò rỉ tại chỗ đó.
Rút kinh nghiệm từ sự cố từng xảy ra ở các giàn khoan khác, khi cháy, sập giàn, các thuyền cứu nạn không kịp thả xuống, khiến cho thuyền cháy, người chết, trên giàn Troll có thêm thiết bị thoát hiểm kiểu khoang “tự lao xuống biển”. Các thành viên làm việc trên giàn Troll thường xuyên luyện tập khẩn nguy.
Theo lệnh sơ tán, họ chạy về các khoang “tự lao xuống biển” này, khi đủ người, từ phòng điều hành, người ta quyết định cho khoang nào phóng xuống nước trước, tùy theo hướng gió tạt lửa, hướng giàn khoan bị uy hiếp cao. Khoang này lao xuống biển theo một ray dốc 45o, lao ra rất xa, trên khoang có thiết bị phun nước tứ bề chống cháy từ giàn lan vào. Do phóng ra xa, giàn nổ, người vẫn an toàn và phòng điều hành sẽ thoát hiểm sau cùng.
Một giàn khoan vững chãi như Troll, vậy mà đến mùa bão gió, các nhà quản trị, kỹ trị của Tập đoàn Statoil cũng vẫn “phập phồng” lo lắng. Chưa hết, để Troll vững chãi trên đại dương bão tố gầm thét, người ta còn giải pháp cấp hàng cho Troll sao cho an toàn từ tàu cung cấp. Các tàu chở hàng cho Troll rất khác biệt, nó có các trạm laser phát tia ngang về phía các trụ chân giàn, máy tính sẽ tự động duy trì khoảng cách an toàn giữa tàu và trụ. Các tàu này có nhiều chân vịt phụ dạng vây ở 4 phía, liên tục giữ cho tàu ổn định cả khi sóng lớn. Nhờ vậy, các cần cẩu bốc dỡ hàng an toàn, dù cho gió mạnh, sóng to dài ngày.
Các đường ống khí gas của Troll còn có các van “lá thông” tự động, rất nhạy, cùng hàng chục các cảm biến đắt tiền, hiện đại, sẵn sàng cô lập từng vùng, ngăn chặn từ xa những nguy cơ bất trắc cháy, nổ. Cứ vài tuần, hoặc sớm hơn, lại có đoàn chuyên gia an toàn cho Troll bay ra, cùng các kỹ sư an toàn trên giàn, kiểm tra từng chi tiết.
Những kỷ lục Guiness của giàn khoan Troll:
- Năm 2006, nhân kỷ niệm 10 năm công trình giàn khoan Troll đi vào hoạt động, hãng Statoil đã tổ chức một buổi ca nhạc hòa tấu tại hầm khai thác của giàn khoan ở độ sâu 303m dưới mặt biển. Buổi biểu diễn đã được ghi vào Sách Kỷ lục thế giới Guiness như là buổi ca nhạc hòa tấu bên dưới mực nước sâu nhất thế giới. Nữ ca sĩ Katie Melua (Anh) – người tham gia biểu diễn tại buổi hòa nhạc từng tâm sự : “Phải mất đến 9 phút, người ta mới đưa tôi từ giàn khoan xuống tận cùng đường ống bằng thang máy. Trình diễn ca nhạc cho công nhân dầu khí xem là một việc ngoài sức tưởng tượng của tôi và đây là dịp để tôi ghi nhớ suốt đời”. Katie Melua được đào tạo về những kỹ năng sinh tồn và phải trải qua nhiều xét nghiệm y tế gắt gao tại Na Uy trước khi được phép đưa lên trực thăng ra giàn khoan.
- Ngay từ lúc bắt đầu đi vào hoạt động (1996), Troll đã được Sách kỷ lục Guiness ghi nhận là giàn khoan lớn nhất thế giới. Đến nay, mặc dù đã nhường vị trí cho giàn khoan Petronius, thuộc sở hữu của Tập đoàn Texaco, nhưng Troll vẫn là một trong những dự án kỹ thuật lớn và phức tạp nhất trong lịch sử xây dựng giàn khoan trên biển.