An toàn thực phẩm để đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện
Thực phẩm an toàn không chỉ giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng, mà còn đem lại một cuộc sống khỏe mạnh. Để trẻ có được một cơ thể khỏe mạnh, phát triển đồng đều thì bảo đảm an toàn thực phẩm cũng là yếu tố quan trọng, góp phần phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, góp phần đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện cả về trí lực lẫn thể lực.
Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã được cải thiện
Trên toàn cầu, ước tính có hơn một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu vi chất dinh dưỡng (ít nhất một trong các chất sắt, kẽm và vitamin A). Ngoài ra, hơn 2/3 phụ nữ không mang thai trong độ tuổi sinh sản bị thiếu vi chất dinh dưỡng (ít nhất một trong số đó là sắt, kẽm và folate - còn được gọi là vitamin B9).
Tại Việt Nam, theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A đã được thanh toán, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng được cải thiện rõ rệt ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở bà mẹ và trẻ em.
Thiếu vitamin A tiền lâm sàng (xét nghiệm trong huyết thanh) ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 14,2% xuống còn 9,5%, vitamin A trong sữa mẹ thấp đã giảm từ 35,5% xuống còn 18,3%. Thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi đều được cải thiện. Năm 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%, phụ nữ có thai là 25,6% và ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 16,2%...
Vi chất dinh dưỡng là những chất dinh dưỡng mặc dù nhu cầu cơ thể cần một lượng rất nhỏ hằng ngày nhưng chúng rất cần thiết cho quá trình phát triển, tăng trưởng về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, góp phần quan trọng để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho cơ thể. Các vi chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm: Sắt, kẽm, canxi, i-ốt, vitamin A, vitamin B và vitamin C.
Sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng này là một vấn đề sức khỏe toàn cầu quan trọng. Chúng có thể dẫn đến sự phát triển kém về thể chất và tinh thần ở trẻ em, làm trẻ dễ mắc bệnh tật hoặc làm bệnh tật trầm trọng hơn, chậm phát triển trí tuệ, mù lòa và tổn thất chung về năng suất và tiềm năng lao động. Không giống như tình trạng thiếu dinh dưỡng năng lượng-protein, tác động sức khỏe của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Do đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đôi khi được gọi là "nạn đói tiềm ẩn".
Bảo đảm an toàn thực phẩm
Để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia đưa ra những lời khuyên dinh dưỡng quan trọng cho người dân trong đó việc thực hiện vệ sinh ăn uống, đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc tiếp cận đủ lượng thực phẩm an toàn và tốt cho sức khỏe là then chốt để duy trì sự sống và tăng cường sức khỏe. Bởi, thực phẩm không an toàn có chứa vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc các chất hóa học có hại có thể gây ra hơn 200 loại bệnh. Mất an toàn thực phẩm không chỉ gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm mà còn trực tiếp gây ra các tình trạng ngộ độc cấp tính dẫn đến rối loạn tiêu hóa trong đó tiêu chảy là tình trạng phổ biến nhất, có thể dẫn tới tử vong. Nếu việc đảm bảo an toàn thực phẩm không được duy trì, tình trạng ngộ độc thực phẩm sẽ thường xuyên xảy ra, lặp đi lặp lại hoặc kéo dài sẽ có ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ mà hậu quả là gây suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng. Chính vì vậy đảm bảo an toàn thực phẩm là một giải pháp quan trọng trong việc phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ.
Thực tế, tại Việt Nam, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ có thể được giải quyết tốt nếu có sự tham gia thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ; từ người quản lý, người sản xuất, đến người tiêu dùng đều phải đồng lòng thực hiện với mục tiêu giữ gìn sức khỏe cho thế hệ hôm nay và thế hệ tương lai.
(Theo qdnd.vn)