An Giang chuẩn bị nguồn hàng hóa bình ổn thị trường

Để bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, Sở Công Thương An Giang đã triển khai kế hoạch phối hợp doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành của nhà nước và phát huy vai trò của DN trong việc chủ động dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn thị trường, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh chuẩn bị nguồn hàng dồi dào tham gia bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã có 21 DN chủ lực đăng ký tham gia bình ổn thị trường năm 2022, với 498 cửa hàng tham gia bán hàng bình ổn thị trường. Trong đó, có 141 cửa hàng bán lương thực, thực phẩm; 357 cửa hàng bán xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng được bố trí rộng khắp trên toàn tỉnh. Các sản phẩm tham gia bình ổn, gồm: Lương thực, thực phẩm (gạo các loại, mì, lương khô, nước uống đóng chai, thịt, trứng gia cầm, nước chấm, bánh, mứt, kẹo, rượu bia) và xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng. Tổng vốn các DN dự trữ hàng hóa dự kiến khoảng 4.191 tỷ đồng (trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… 505 tỷ đồng; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng 3.686 tỷ đồng).

Kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường diễn ra từ đầu tháng 6 đến hết ngày 31/12/2022. Sở Công Thương tăng cường công tác tuyên truyền và mời các trung tâm thương mại, siêu thị, DN, cơ sở SXKD đăng ký tham gia điểm bán hàng bình ổn thị trường (các mặt hàng thiết yếu, kèm theo các chương trình khuyến mại, như: Giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng…).

Đồng thời, tổ chức các hoạt động phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phối hợp Siêu thị Tứ Sơn, Co.opmart Thoại Sơn, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức trên 100 chuyến hàng lưu động và 2 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, nhằm phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn để người dân có thể tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý; tổ chức chương trình khuyến mại tập trung tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, DN, cơ sở SXKD.

Cục Quản lý thị trường theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết để chủ động có phương án hoặc đề xuất kịp thời với UBND tỉnh, bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, nhằm ổn định thị trường khi cần thiết. Thường xuyên kiểm tra, giám sát thị trường, để có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm tra mặt hàng vật tư nông nghiệp, thuốc phòng, chữa bệnh cho người và thực phẩm chức năng; kiểm tra việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh pháo... Kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật…

Phối hợp các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở SXKD và chế biến thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Kiểm tra tình hình cung cấp điện an toàn và phòng, chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi.

Sở Công Thương An Giang sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai kế hoạch có hiệu quả, đảm bảo không để xảy ra khan hiếm hàng, hết hàng làm rối loạn thị trường, gây hoang mang trong nhân dân. Đồng thời, tổ chức tốt công tác thông tin dự báo để chủ động, bám sát thị trường trong công tác điều hành, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường. Thường xuyên trao đổi, cập nhật tình hình, thông tin đến các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, hệ thống cửa hàng tiện ích để chủ động dự phòng các mặt hàng thiết yếu, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Các địa phương nắm bắt tình hình thị trường, về hàng hóa cung ứng, giá cả và dư luận của người dân trên địa bàn... để thông tin kịp thời đến Sở Công Thương An Giang cập nhật và có giải pháp bình ổn thị trường. Tuyên truyền, vận động người dân không mua hàng tích trữ, gây khan hiếm hàng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ tích trữ, tăng giá trái quy định.

Năm 2022, kinh tế đã phục hồi sau đại dịch, dự báo sức mua sẽ tăng cao. Việc triển khai hiệu quả kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho các DN chủ động nguồn hàng tham gia bình ổn, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do DN trong nước sản xuất, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý... Qua đó, góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Năm 2021, tỉnh đã thực hiện bình ổn thị trường với tổng số tiền dự trữ hàng hóa hơn 4.000 tỷ đồng, với 94 điểm bán hàng bình ổn được bố trí rộng khắp cung cấp đủ nguồn hàng thiết yếu đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, như: Gạo, đường, muối, nước mắm, nước tương, mì gói, thịt heo, xăng dầu. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, có 23 DN chủ lực của tỉnh đăng ký tham gia bình ổn thị trường, với 451 điểm bán hàng bình ổn thị trường, tổng số tiền dự trữ khoảng 1.342 tỷ đồng, giúp người dân an tâm mua sắm với giá cả hợp lý.

-HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-chuan-bi-nguon-hang-hoa-binh-on-thi-truong-a338064.html