Mặc dù giá chính xác của thỏa thuận chưa được tiết lộ, nhưng các quan chức Ấn Độ cho biết nó sẽ phù hợp với chi phí (đã điều chỉnh theo lạm phát) của chiếc Rafale mà New Delhi đã mua vào năm 2016.
Theo idrw.org, chi phí ước tính vào năm 2024 dự kiến là 161 triệu USD cho mỗi chiếc. Điều này có nghĩa là tổng chi phí cho 26 máy bay tiêm kích hạm Rafale-M sẽ vào khoảng 4,2 tỷ USD.
Việc mua hàng này là một phần của chiến lược hiện đại hóa lực lượng quân sự của Ấn Độ trong thập kỷ qua.
Những máy bay tiên tiến này sẽ được tích hợp với tàu sân bay INS Vikramaditya và INS Vikrant, mang lại khả năng tấn công, phòng không và trinh sát tiên tiến.
Được thiết kế đặc biệt cho các nhiệm vụ trên biển, Rafale M là một máy bay phản lực đa năng có thể đảm nhiệm nhiều vai trò, từ chiến đấu không đối không đến các hoạt động chống hạm và tấn công mặt đất.
Một tính năng nổi bật của Rafale-M là khả năng thích ứng với các hoạt động trên tàu sân bay, bao gồm cất cánh và hạ cánh hiệu quả từ INS Vikrant trong điều kiện đầy thách thức trên biển.
Khả năng thích ứng này đảm bảo hải quân Ấn Độ đạt được tính linh hoạt và khả năng sẵn sàng hoạt động cao hơn trong điều kiện địa chính trị phức tạp.
Tiêm kích hạm Rafale-M được trang bị hệ thống radar mảng pha chủ động AESA tiên tiến. Điều này giúp chúng có lợi thế trong chiến đấu chống lại máy bay địch.
Một trong những đặc điểm nổi bật của những máy bay phản lực này là tên lửa không đối không tầm xa Meteor, đây là một trong số ít những tên lửa hàng không nguy hiểm nhất thế giới.
Đô đốc Karambir Singh, cựu Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ, lưu ý rằng Rafale-M sẽ mở ra "kỷ nguyên mới của không quân hải quân Ấn Độ".
Nhà phân tích quốc phòng Bharat Karnad nhận xét: “Tầm bắn và tải trọng vũ khí của Rafale-M sẽ mang lại cho Ấn Độ lợi thế quyết định ở khu vực Ấn Độ Dương, đặc biệt là trong những tình huống đòi hỏi hành động nhanh chóng”.
Thỏa thuận này củng cố đáng kể sức mạnh không quân hải quân của Ấn Độ, đặc biệt là khi căng thẳng leo thang ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Rafale-M được thiết kế riêng cho các hoạt động trên tàu sân bay. Máy bay có chiều dài 15,27 mét, sải cánh 10,9 mét và cao 5,34 mét.
Với trọng lượng rỗng khoảng 10 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa là 24,5 tấn, máy bay này được trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đốt sau Snecma M88-2.
Những động cơ này có thể tạo ra lực đẩy 50 kN trong điều kiện khô và lên đến 75 kN với chế độ đốt sau, đảm bảo sự nhanh nhẹn và công suất tuyệt vời, ngay cả trong điều kiện hoạt động trên tàu sân bay.
Được trang bị hệ thống điều khiển tiên tiến, bao gồm công nghệ fly-by-wire kỹ thuật số, Rafale-M cung cấp khả năng xử lý chính xác và an toàn trong điều kiện tác chiến cường độ cao.
Rafale-M cũng tự hào có hệ thống tác chiến điện tử SPECTRA, cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại các mối đe dọa từ radar và tên lửa của đối phương.
Rafale-M có thể mang theo một loạt vũ khí ấn tượng, bao gồm tên lửa không đối không tầm xa Meteor, tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung MICA, tên lửa chống hạm Exocet AM39 và tên lửa hành trình không đối đất SCALP.
Đối với những người quan tâm đến khả năng răn đe hạt nhân, Rafale-M cũng có thể triển khai tên lửa hạt nhân ASMP-A.
Ngoài ra, pháo GIAT 30mm bên trong đảm bảo máy bay sẵn sàng cho các nhiệm vụ không chiến tầm gần và hỗ trợ mặt đất.
Máy bay Rafale-M có tầm hoạt động khoảng 1.850 km mà không cần thùng nhiên liệu ngoài, có thể mở rộng đáng kể khi tiếp nhiên liệu trên không.
Việt Hùng