Amazon nhờ tới pháp lý giải quyết 5 vụ lừa đảo trên Kindle

Amazon đã đệ đơn kiện về 5 vụ lừa đảo trên nền tảng xuất bản sách điện tử Kindle Direct Publishing, theo Cnet.

Ông lớn bán hàng trực tuyến đã đệ đơn kiện về 5 vụ lừa đảo trên nền tảng tự xuất bản Kindle Direct Publishing lên Hiệp hội trọng tài thương mại Mỹ. Lý do Amazon đệ đơn lên Hiệp hội trọng tài thương mại Mỹ - một hệ thống giải quyết tranh chấp mà không cần phải ra tòa, là vì các điều khoản và điều kiện của Kindle Direct Publishing ghi rõ mọi bất đồng nào liên quan đến hoạt động kinh doanh phải thông qua Hiệp hội trọng tài.

Một phát ngôn viên của Amazon cho biết trong một tuyên bố: "Hành động này phản ánh một bước đi nữa trong nỗ lực không ngừng của chúng tôi nhằm bảo vệ độc giả và tác giả khỏi những cá nhân vi phạm điều khoản dịch vụ của Amazon và thao túng các chương trình được nhiều độc giả và tác giả sử dụng".

Phát ngôn viên này cũng nói thêm rằng số người sử dụng Kindle Direct Publishing tham gia vào những trò gian lận như vậy là "thiểu số".

Đã có khá nhiều lùm xùm xoay quanh hoạt động của nền tảng tự xuất bản Kindle Direct Publishing. Ảnh: Cnet.

Liên tục xuất hiện nhiều phương pháp gian lận mới

Một trong những vụ kiện mới nhất liên quan tới một kẻ lừa đảo sử dụng phương pháp mới để thử kiếm tiền thông qua Amazon. Người đàn ông có tên trong hồ sơ, Nilmer Rubio, ở thành phố Olongapo, Philippines, được cho là đã liên hệ với các tác giả sử dụng nền tảng tự xuất bản Kindle và nói với họ rằng tên này có thể làm tăng số trang khách hàng đã đọc trên Kindle, từ đó tăng lợi nhuận cho tác giả. Tên này đã làm được điều đó bằng cách sử dụng hàng trăm tài khoản Amazon giả.

Trên nền tảng Kindle, Amazon phân chia tiền bản quyền hàng tháng dựa trên số trang khách hàng đọc ở mỗi cuốn sách. Và khi chấp nhận đề nghị của Rubio, các tác giả có thể tăng tiền bản quyền của họ và Rubio sau đó sẽ được nhận thêm tiền.

Trước đó, một tác giả đã phàn nàn với Amazon sau khi được Rubio tiếp cận và đề nghị nhận 40% lợi nhuận từ vụ lừa đảo này.

Trong hai vụ việc khác, Terrance Li ở Ontario, Canada và Alexis Pablo Marrocco ở Argentina đã bị buộc tội bán các bài đánh giá sách giả. Trong trường hợp của Li, Amazon cho biết họ đã tìm thấy 75% số bài đánh giá của tên này (1.471 trong số 1.957 bài đánh giá) liên quan đến sách hướng dẫn và học tập của Li là "sai trái" và đã bị xóa.

Còn Marrocco vào năm 2015 đã bị cáo buộc tham gia một vụ lừa đảo trên Amazon, nhưng tên này đã trả lời với The Washington Post vào thời điểm đó rằng vẫn đang tuân theo các quy định của Amazon.

Hai vụ việc cuối cùng, liên quan đến Thomas Glenn ở Miami, Florida và Jake Dryan ở London, Anh. Hai tên này bị cáo buộc có dính líu tới các vụ việc đẩy sách lên cao hơn trong danh sách bán chạy nhất. Dryan cũng bị buộc tội "lạm dụng siêu liên kết" để thu tiền bản quyền trái phép. Cụ thể, tác giả có thể chèn một siêu liên kết vào một vài trang đầu tiên của cuốn sách. Khi độc giả click vào đó, họ sẽ được chuyển tới cuối cuốn sách. Cách làm này giúp tăng số lượng trang được đọc một cách giả tạo và do đó, tăng thêm các khoản thanh toán tiền bản quyền.

Amazon đề nghị đền bù khoảng 440.000 USD từ Marrocco, gần 100.000 USD từ Li và 75.000 USD từ Glenn. Họ cũng muốn được bồi thường thiệt hại trong hai trường hợp còn lại, nhưng không nói rõ là bao nhiêu.

Kể từ năm 2015, Amazon đã nhờ tới pháp lý này để chống lại các trò gian lận và đã kiện hơn 1.000 đơn vị liên quan với cáo buộc đánh giá sản phẩm sai trên các trang web của mình. Công ty này năm ngoái cũng đã kiện nhiều bên với cáo buộc làm hàng giả.

Quá trình này cho thấy Amazon đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát danh sách khổng lồ hàng trăm triệu trang sản phẩm của mình. Bằng cách nhờ tới pháp lý, Amazon hy vọng rằng họ có thể ngăn cản những kẻ lừa đảo truy cập trang web của mình ngay từ đầu, từ đó giúp công việc kiểm soát của họ dễ dàng hơn một chút.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/amazon-nho-toi-phap-ly-giai-quyet-5-vu-lua-dao-tren-kindle-post1443587.html