6 vấn đề sức khỏe nguy hiểm khi bạn ngủ nhiều hơn 10 tiếng mỗi ngày

Giấc ngủ là thời gian cơ thể tự sửa chữa và phục hồi. Tuy nhiên, việc ngủ nhiều hơn 10 tiếng mỗi ngày có thể dẫn đến một loạt vấn đề sức khỏe như trầm cảm, bệnh tim, tuyến giáp...

Trên thực tế, không có một con số tiêu chuẩn nào để chỉ ra rằng bạn nên ngủ chính xác bao nhiêu giờ mỗi ngày. Điều này phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe cũng như tính chất hoạt động công việc của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn có giờ ngủ đặc biệt nhiều, lên đến 12-18 tiếng một ngày hoặc cảm thấy buồn ngủ kể cả vào những thời điểm chẳng mấy thích hợp thì có thể bạn đã mắc phải những rối loạn phức tạp liên quan đến giấc ngủ. Điều này dẫn đến hàng loạt các căn bệnh nguy hiểm như:

1. Nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch

Lúc vận động, tim thường đập rất nhanh, các cơ tim co bóp mạnh hơn, quá trình tuần hoàn máu của tim tăng nhanh. Lúc cơ thể nghỉ ngơi, tim cũng ở trong trạng thái nghỉ đó. Nhịp tim, sự co bóp của các cơ tim và sự tuần hoàn máu giảm xuống. Chính vì thế thời gian bạn ngủ, bạn nghỉ ngơi quá lâu sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của tim và hệ tuần hoàn dần dần gây ra các bệnh về tim mạch như huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch…

2. Mắc hội chứng Narcolepsy

Narcolepsy - hội chứng ngủ rũ là một rối loạn giấc ngủ mãn tính, gây ra bởi sự mất cân bằng hóa học trong não. Hầu hết người mắc hội chứng ngủ rũ có mức hypocretin (một chất dẫn truyền thần kinh thúc đẩy sự tỉnh tảo) thấp, đặc trưng bởi buồn ngủ ban ngày quá nhiều và giấc ngủ có thể đến bất cứ lúc nào.

Những người mắc chứng ngủ rũ sẽ có biểu hiện ngủ không báo trước khi nói chuyện, học tập, làm việc, thậm chí khi đang lái xe. Đôi khi, bạn bất chợt tỉnh dậy, nhưng lại cảm thấy buồn ngủ ngay sau đó. Người bệnh sẽ không thể kiểm soát được cảm giác của bản thân, chẳng hạn khi bạn cười đầu hoặc đầu gối sẽ mất kiểm soát nghiêm trọng.

3. Trầm cảm

Mặc dù biểu hiện cơ bản của chứng trầm cảm thường là mất ngủ nhưng cũng có đến 15% bệnh nhân trầm cảm ngủ quá nhiều. Ngược lại, ngủ nhiều cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hay khiến trầm cảm trở nên tồi tệ hơn.

4. Các vấn đề về tuyến giáp

Có 2 loại vấn đề về tuyến giáp ảnh hưởng đến giấc ngủ. Một là gây ra chứng mất ngủ, cái còn lại gây ra chứng ngủ nhiều hoặc cảm giác mệt mỏi mọi lúc. Suy giáp có liên quan đến việc ngủ nhiều hơn 10 tiếng mỗi ngày và có thể gây ra mệt mỏi vào ban ngày. Nếu bạn không phải chịu bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác, nhưng bạn đang trong tình trạng ngủ nhiều thì nên đi kiểm tra tuyến giáp.

5. Thừa cân, béo phì

Ngủ là thời gian nghỉ ngơi, tiêu hao ít năng lượng nhất trong ngày. Do vậy, nếu bạn nạp năng lượng vào cơ thể mà lại không sử dụng chúng để hoạt động thì lượng dinh dưỡng đó sẽ nhanh chóng tích tụ thành mỡ dự trữ gây ra tình trạng thừa cân. Tỉ lệ mắc béo phì của những người ngủ 9 – 10 tiếng mỗi ngày so với người ngủ 7 - 8 tiếng cao hơn đến 21%.

6. Ngưng thở khi ngủ

Nghe có vẻ đáng sợ nhưng đây là sự thật, ngưng thở khi ngủ xảy ra khi có tắc nghẽn đường dẫn khí, đường hô hấp trên bị sụp xuống trong 10 giây và điều này có thể xảy ra tới hàng trăm lần trong một đêm. Do đó, giấc ngủ của bạn bị xáo trộn nhiều lần mỗi đêm và cơ thể bạn cần ngủ nhiều giờ hơn để cảm thấy được nghỉ ngơi.

Một số lưu ý để không ngủ quá nhiều:

1. Sắp xếp thời gian biểu hợp lý, ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày.

2. Tránh ăn quá no hoặc sử dụng các chất chứa caffeine trước giờ đi ngủ.

3. Tập thể dục đều đặn và tạo không gian thoải mái trong phòng ngủ.

DL

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/6-van-de-suc-khoe-nguy-hiem-khi-ban-ngu-nhieu-hon-10-tieng-moi-ngay-post84991.html