19 tiêm kích J-10 Trung Quốc vừa áp sát đảo Đài Loan

Đảo Đài Loan vừa cho biết, đã có 19 máy bay tiêm kích J-10 Trung Quốc đi vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà hòn đảo này tuyên bố.

Cơ quan phòng vệ đảo Đài Loan hôm 1/3 cho hay, trong vòng 24 giờ qua họ phát hiện 19 máy bay tiêm kích J-10 của không quân Trung Quốc đi vào ADIZ.

Cơ quan phòng vệ của hòn đảo đã triển khai máy bay quân sự bay lên để theo dõi tình hình.

Tuy nhiên, các máy bay của Trung Quốc không vượt qua đường trung tuyến - ranh giới phân cách không chính thức ở eo biển Đài Loan.

Trước đó, Không quân Trung Quốc từng điều máy bay vượt qua đường phân cách nhạy cảm này thường xuyên kể từ lúc tổ chức các cuộc tập trận gần Đài Loan vào tháng 8 năm 2022

Đảo Đài Loan cho biết, vài năm trở lại đây, Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự gần hòn đảo.

Trong khi đó, Bắc Kinh nói rằng, các hoạt động quân sự của họ gần đảo Đài Loan là "hợp lý" khi nước này tìm cách bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.

Trung Quốc luôn coi đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, là lợi ích cốt lõi và lằn ranh đỏ không thể vượt qua.

Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng thống nhất bằng mọi giá, kể cả bằng sức mạnh quân sự. Vì vậy Bắc Kinh thường điều động các chiến đấu cơ trong đó có tiêm kích con cưng J-10 áp sát hòn đảo này.

Máy bay J-10 (J-10 Thành Đô) là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc nhằm phát triển tiêm kích thế hệ 4 nhằm đối trọng với các máy bay thế hệ thứ 4 của đối thủ.

Lúc đầu, ý tưởng của nhà thiết kế là tạo ra một tiêm kích thuần túy nhằm mục tiêu chiếm ưu thế trên không.

Khi việc phát triển J-10 bắt đầu từ năm 1988, nhằm đối đầu trực tiếp với Su-27 và MiG 29.

Nhưng tới năm 1991, sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến dự án có thay đổi.J-10 được định hướng để trở thành một chiến đấu cơ đa nhiệm, bù đắp cho phi đội của PLAAF.

Tiêm kích J-10 cất cánh lần đầu tháng 3/1998, được sản xuất từ năm 2002 với khoảng 480 chiếc với các phiên bản đã xuất xưởng.

J-10C được coi là phiên bản hiện đại và mạnh mẽ nhất trong dòng máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc hiện nay.

Nhiều nhà quan sát cho rằng loại máy bay này có tính năng chiến đấu cũng rất đáng gờm.

Được biết chiến đấu cơ J-10C là bản nối tiếp sự dang dở của phiên bản J-10B vốn đã bị dừng sản xuất trước đây.

Phiên bản J-10C này có khả năng bán tàng hình (Semi-stealth). Khả năng này có được nhờ vật liệu cấu tạo máy bay được coi là có khả năng hấp thụ rất tốt sóng radar của đối phương.

Tuy nhiên đây không được coi là một chiến đấu cơ tàng hình thực sự vì kết cấu của nó không cho phép nó hoàn toàn tàng hình trên màn hình radar của đối phương.

So với các phiên bản J-10 trước đó, J-10C có cải tiến khí động học đáng kể ở phần mũi máy bay giúp bộ phận mũi máy bay không còn xu hướng bị kéo xuống khi máy bay vận hành ở tốc độ siêu thanh.

Điều này giúp tiết kiệm được đáng kể nhiên liệu tiêu thụ, tăng cường mức độ cơ động nhất là khi bay với vận tốc cao ở độ cao thấp. Ngoài ra, điểm nổi bật nhất đó là các thiết bị điện tử được lắp đặt tăng cường trên chiếc máy bay này.

Đặc biệt là hệ thống radar điện tử quét mảng chủ động AESA. Đây là điều mà ngay cả máy bay tiêm kích Su-35 của Nga cũng không có được.

Với radar mảng pha chủ động tầm phát hiện mục tiêu tăng lên, độ nhạy phát hiện mục tiêu cũng tăng lên đáng kể ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Một chi tiết đáng chú ý nữa đó là Trung Quốc đang thử nghiệm tích hợp cho chiếc J-10C động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều WS-10B.

Với việc có động cơ lực đẩy 3 chiều này, độ cơ động của máy bay được tăng lên đáng kể giúp chúng có nhiều cơ hội thắng trong không chiến quần vòng.

J-10C của Trung Quốc còn có khả năng tích hợp và dẫn bắn hết tầm cho tên lửa không đối không PL-15 cũng như PL-10E.

Chiến đấu cơ J-10C có chiều dài 15,49 m, sải cánh rộng 9,75 m, diện tích mặt cánh đạt 39 m2.

J-10C trọng lượng cất cánh tối đa vào khoảng 19 tấn, trong khi tải trọng vũ khí đạt khoảng 7 tấn.

Ngoài bom, rocket, tên lửa không đối không, J-10C còn có thể mang theo các loại tên lửa đối đất thậm chí đối hải.

Với những cải tiến đáng kể, J-10C được cho là dòng máy bay chiến đấu một động cơ tốt nhất của Trung Quốc.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/19-tiem-kich-j-10-trung-quoc-vua-ap-sat-dao-dai-loan-post532485.antd