10 năm chuyển đổi nền kinh tế số: Thiếu tinh hoa dẫn dắt dù doanh thu nhiều tỷ đô

10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Tuy nhiên, chuyển đổi nền kinh tế số còn thiếu những nhóm tinh hoa dẫn dắt.

Tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô

Kinh tế số có thể hiểu là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, bao gồm tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, lưu thông hàng hóa, vận tải, logistic, tài chính ngân hàng…

Theo nhận định của WBI, một quốc gia muốn chuyển sang nền kinh tế số cần hình thành bốn trụ cột chính là: giáo dục quốc dân; phát minh sáng chế; cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông; hệ thống thể chế các chính sách kinh tế. Trong hệ sinh thái số, có ba thị trường nổi bật là viễn thông, CNTT và thương mại điện tử.

Việt Nam hiện nay đang đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh nhất trên thế giới, đồng thời đứng ở vị trí thứ 22 về phát triển số hóa (Bhaskar Chakravorti and Ravi Shankar Chartuvedi (2017). Đây là dấu hiệu cho thấy những nỗ lực ban đầu của Việt Nam trong việc tạo ra những điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.

Ảnh minh họa

Đáng chú ý, nếu như năm 2007, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là 17,7 triệu người thì đến năm 2017, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã tăng lên mức 64 triệu, xấp xỉ 67% dân số. Số liệu của tập đoàn Miniwatts Marketing, Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới.

Các doanh nghiệp viễn thông, internet ở Việt Nam đã phát triển vượt bậc và đạt mức doanh thu 6,1 tỷ USD, góp phần tạo ra hơn 851.000 việc làm. Thương mại điện tử cũng tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường, hiện ở mức mức 5,2 tỷ USD.

Hiện có khoảng 30 nghìn doanh nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số và các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin (ICT) với tổng doanh thu năm 2017 đạt 91,6 tỷ USD, gấp 12 lần so với năm 2010 (7,6 tỷ USD). Công nghiệp phần mềm với khoảng 10 nghìn doanh nghiệp, có tốc độ tăng trưởng cao (15% - 20%/năm), doanh thu năm 2017 đạt 3,7 tỷ USD.

Trong những năm vừa qua, hạ tầng phát triển kinh tế số của Việt Nam được chú trọng đầu tư và có những thay đổi rõ rệt. Đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 126 triệu thuê bao di động trong đó có khoảng 62,5 triệu thuê bao có sử dụng 3G, 4G. Tỉ lệ dân số được phủ sóng di động 4G năm 2019 đạt trên 95,3% (ICT Vietnam, 2020). Việt Nam cũng đã sẵn sàng băng tần cho triển khai 5G với sự chuẩn bị của các băng tần 3,3 – 4,2 GHz, 4,4– 5,0 GHz và 24,25 – 29.5 GHz. Tốc độ tải xuống của điện thoại di động của Việt Nam là 20,5 Mbps, thông lượng băng thông rộng cố định khoảng 25,28 Mbps. Giao thức Internet phiên bản 4 của Việt Nam xếp thứ 57 trên thế giới (Worldbank 2019).

Cùng với chương trình phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông tốc độ cao của quốc gia, Việt Nam phấn đấu băng thông rộng cố định phải đạt 40% ở mức tối thiểu 25Mpbs vào năm 2020, các điểm truy cập Internet cố định phải đạt 50Mbps.

Thương mại điện tử doanh thu năm 2017 đạt khoảng 8 tỷ USD (tăng trung bình 35%/năm), là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất. Việt Nam có 48 công ty Fintech cung cấp dịch vụ thanh toán tiền gửi và tiền điện tử. Trong kinh doanh nội dung số, công nghiệp quảng cáo trực tuyến đạt doanh thu 390 triệu USD năm 2016, doanh thu trò chơi trực tuyến đạt khoảng 500 triệu USD.

Năm 2019, doanh thu bán lẻ thị trường Việt Nam ước đạt 211 tỷ USD, trong đó doanh thu thương mại điện tử đạt khoảng 10,4 tỷ USD tương ứng 4,92% thị phần bán lẻ. Chỉ trong một thời gian ngắn, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25% -30%/năm, dự tính sẽ đạt mốc 50 tỷ USD chiếm khoảng 12% thị trường bán lẻ trong nước đến năm 2025. Thương mại điện tử là xu thế tất yếu của nền kinh tế số.

Đối với doanh nghiệp, ICT giúp các doanh nghiệp chuyển từ cạnh tranh về chi phí nhân công thấp và tài nguyên thiên nhiên sang cạnh tranh về lợi thế so sánh của hàng hóa và dịch vụ dựa trên giá trị tri thức, có giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp cũng ngày càng sử dụng các phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh như kế toán tài chính, năm 2018 cũng có tới 88% doanh nghiệp có sử dụng phần mềm kế toán tài chính. Ngoài ra, nhóm phần mềm chuyên sâu ở mức cao hơn một chút như quản lý khách hàng (CRM), quản lý chuỗi cung ứng (SCM) và quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cũng ngày càng được sử dụng phổ biến.

Việc thực hiện chiến lược phát triển nền kinh tế số ước tính có thể giúp GDP của các nước trong khu vực ASEAN tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Tổ chức Data61 dự báo GDP của Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu chúng ta chuyển đổi số thành công.

Sáng tạo và đổi mới vẫn chưa phải thế mạnh

Nguồn nhân lực phù hợp cho sự phát triển kinh tế số là nguồn nhân lực đặc biệt, cần có năng lực ứng biến linh hoạt, dễ thích nghi trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của kỹ năng và môi trường làm việc dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Mặc dù kinh tế số có sự tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô nhưng nguồn nhân lực phù hợp cho sự phát triển kinh tế số vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội: Tính đến 2018, số lượng lao động trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam là 955.00 người, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin là 80.000 người với khoảng 30.000 doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin theo lĩnh vực sản xuất.

“Việt Nam còn thiếu đi những nhóm tinh hoa để dẫn dắt quá trình chuyển đổi nền kinh tế số. Sáng tạo và đổi mới vẫn chưa phải thế mạnh của Việt Nam’’, PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp khẳng định.

Minh chứng rõ nét nhất cho nhận định này là hầu hết tất cả sản phẩm số của Việt Nam gần đây đều là những nền tảng ứng dụng cho các ngành khác nhau, có rất ít những sản phẩm hoàn toàn mới (Cameron A. và cộng sự, 2019).

Ngoài ra, đến khoảng năm 2020, Việt Nam thiếu khoảng 500.000 nhà khoa học về dữ liệu, hơn 1 triệu nhân lực trong ngành CNTT&TT (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2017; APEC Human Resource Development Working Group, 2017).

Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 250 cơ sở đào tạo ngành công nghệ thông tin – truyền thông bậc đại học và cao đẳng. 1 số cơ sở đào tạo cung cấp 1 nguồn lớn nhân lực ngành CNTT chất lượng cao có thể kể đến như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Công nghệ - ĐHQGHN, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP.HCM, Trường Đại học FPT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, v.v… cùng với đó là hàng loạt các học viện, trung tâm đào tạo tại khắp các tỉnh thành.

Bên cạnh các viện như Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông CDiT, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (NISCI), Viện Công nghệ thông tin – Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam thì còn rất nhiều các viện nghiên cứu khác trực thuộc các trường đại học, học viện.

Tuy nhiên, theo khảo sát, nhân lực ngành CNTT vẫn còn chưa đáp ứng được các kĩ năng do nhà tuyển dụng đưa ra.

Chất lượng đào tạo lệ sinh viên đại học, cao đẳng của Việt Nam chỉ đạt 16% so với mức trung bình là 38% của EAP. Tỷ lệ đóng góp của TFP chỉ còn khoảng 20% vào thời điểm năm 2010 trong khi chỉ số này của các nước trong khu vực là tương đối cao (35% ở Thái Lan, 41% ở Philippines, 43% ở Indonesia).

Nguồn: Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2019

Theo Khảo sát nhanh (Pulse Survey) của Mercer – Talentnet năm 2019, trong quá trình triển khai chiến lược nhân sự số, nhiều người bị mắc kẹt vào tình huống phải xử lý quá nhiều vấn đề cùng một lúc.

Về các hệ thống cơ sở hạ tầng, có 55% doanh nghiệp trong khảo sát muốn triển khai hệ thống nhân sự số, tuy nhiên bộ phân nhân sự lại không nhận đủ chi phí để xây dựng công nghệ đồng bộ cùng chiến lược doanh nghiệp.

Về năng lực người lao động, bộ phận quản lý nguồn nhân lực phải đảm bảo rằng nguồn lao động có thể thỏa mãn các tiêu chuẩn được từ kỹ năng đến sức khỏe hoặc cả tinh thần của nhân viên.

Một trong số những vấn đề khó lý giải và khó thuyết phục nhất mà bộ phận nhân sự thường phải đối mặt chính là sự kháng cự của nhân viên trước và trong quá trình chuyển đổi.

Đó là chưa kể tới yếu tố văn hóa công ty, các giá trị và hành vi, những doanh nghiệp có văn hóa bảo thủ có thể tự tạo rào cản trong quá trình triển khai nhân sự số.

Xét về chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, sự phát triển của các tỉnh thành còn chưa đồng đều, có sự chênh lệch lớn giữa các thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thành còn lại. Cơ sở hạ tầng số tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, bao phủ mạng viễn thông và Internet dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Như vậy một giải pháp rất cấp thiết mà Việt Nam cần làm ngay là giải quyết tốt bài toán về phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu phát triển nền kinh tế của đất nước. Việt Nam đang ở thời điểm cần có sự đột phá để tăng trưởng nhanh và bền vững.

Một cuộc khảo sát toàn cầu với hơn 1.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Jeff Kavanaugh và các đồng nghiệp (infosys, 2019) cho thấy các công ty đáp ứng nhu cầu nhân sự tài năng cho nhiệm vụ chuyển đổi kỹ thuật số của họ đã biết cách kết hợp bốn nguyên tắc: chỉ tìm kiếm ứng viên có năng lực tiềm năng, không tuyển chỉ dựa trên bằng cấp; coi trọng các kỹ năng mềm giống như các kỹ năng chuyên môn; coi trọng nhóm hơn là cá nhân; dùng phần thưởng để khuyến khích nhân viên tự học hỏi và phát triển.

Đây có thể coi là một trong những cách tiếp cận mới trong việc đi tìm nhân lực dẫn dắt quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Minh Hoa

: Phương hướng phát triển kinh tế số tại Việt Nam trong dự thảo trình Đại hội Đảng lần thứ XIII

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-doi-nen-kinh-te-so-thieu-tinh-hoa-dan-dat--22880.html