'Zero-Covid' làm tăng nguy cơ đứt gãy nông nghiệp, thiếu hụt lương thực
Nhiều tỉnh tại Trung Quốc đang bước vào mùa gieo hạt mới, trong tình cảnh thiếu phân bón, thiếu hụt nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp.
Chính sách phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn COVID-19 khiến tình trạng thiếu phân bón, lao động, giống cây trồng tại Trung Quốc ngày càng trầm trọng hơn, trong bối cảnh một số tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm đang chuẩn bị bước vào mùa reo hạt, xuống giống quan trọng nhất trong năm.
Theo số liệu công bố chính thức, có khoảng 1/3 nông dân ở các tỉnh đông bắc Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang hiện không có đủ vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sau khi nhà chức trách phong tỏa nhiều khu vực để ngăn chặn COVID-19. Ba tỉnh này chiếm khoảng 20% sản lượng ngũ cốc của cả nước.
Sản lượng ngũ cốc trong mùa vụ mùa gieo hạt đông xuân này giảm, ví dụ như với gạo, ngô, có thể hủy hoại những nỗ lực của Bắc Kinh trong nhiều thập kỉ quả nhằm đạt mục tiêu tự chủ lượng thực, buộc Trung Quốc phải tăng nhập khẩu lương thực và từ đó gián tiếp làm mặt hàng này tăng giá trên thị trường thế giới.
Khi thế giới và Trung Quốc đại lục dồn chú ý vào đợt phong tỏa tại thành phố Thượng Hải trong tuần qua, thì tỉnh Cát Lâm đã bước vào đợt “đóng cửa” với các biện pháp còn khắc nghiệt hơn cả Thượng Hải trong suốt một tháng qua. Theo quan chức của tỉnh này, khoảng 1/3 nông dân trong tỉnh không có đủ phân bón để phục vụ nhu cầu trồng trọt, xuống giống tại thời điểm cuối tháng 3, tức là chỉ còn chưa đầy 3 tuần là bước vào vụ gieo hạt trọng điểm.
Nông dân và giới chủ nhà máy cho rằng đứt gãy sản xuất này một phần là do hệ quả từ chính sách “không Covid” (zero-Covid) mà Trung Quốc kiên trì theo đuổi. Bám theo Zero-Covid, giới chức chính quyền cho áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát mạnh tay, từ cấm giao thông, đi lại cho đến đóng cửa các doanh nghiệp tại địa phương.
Một cố vấn về chính sách nông nghiệp cho chính phủ nói nói rằng Trung Quốc có nguy cơ phải đối mặt với thiếu hụt lương thực. “Chúng ta phải điều chỉnh chính sách zero-Covid đối với trồng trọt. Không nên coi kiểm soát virus là ưu tiên đặt cao hơn mọi thứ, bởi không thể kéo dài mãi như vậy”, chuyên gia giấu tên này cho biết.
Chính quyền thành phố Cát Lâm, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, thừa nhận việc chuẩn bị cho đợt xuống giống, gieo trồng vụ thu đông năm nay rất khó khăn. “Chúng ta bị chậm so với lịch gieo cấy đã lên từ trước, bởi không có đủ phân bón cho nông dân”, tuyên bố đăng tải trên cổng thông tin thành phố Cát Lâm nêu rõ.
Theo ước tính của các chuyên gia phân tích tại Nomura, có ít nhất 23 thành phố tại đại lục với tổng dân số trên 190 triệu người đang sống trong tình cảnh bị phong tỏa toàn phần hoặc từng phần. Khác với mùa xuân năm 2020, thời điểm mà đa số người dân tin rằng COVID-19 sẽ chấm dứt vào mùa hè, hiện không có dấu hiệu nào về một niềm tin như vậy.
Các nhà máy sản xuất phân bón cũng đang phải vật lộn với thách thức. Một thành viên ban lãnh đạo Genliduo, nhà sản xuất phân bón hàng đầu tại tỉnh Hà Bắc, cho biết công ty hiện gặp phải rất nhiều khó khăn, từ khâu vận chuyển tới khách hàng cho đến bảo đảm nguyên liệu thô cho đầu vào sản xuất. Đây là thực trạng phổ biến trong ngành và nhiều công ty phân bón nhỏ đã buộc phải dừng hoạt động.
Như tại tỉnh Cát Lâm, nơi ghi nhận 50.000 ca mắc COVID-19 từ cuối tháng 3, nhiều chính quyền địa phương không cho phép xe tải đến từ các vùng khác được vào sâu bên trong, kể cả đây là xe chở giống, phân bón mà địa phương đang thiếu và rất cần cho sản xuất nông nghiệp. Tình hình còn tệ hơn khi nhiều lao động di cư bị kẹt tại các thành phố, thị trấn thuộc diện phong tỏa và không trở lại được các khu vực nông thôn để trồng trọt hoa màu. Những người đi được thì cũng phải qua 14 ngày cách ly mới có thể làm việc trên đồng ruộng.
Trong diễn biến mới nhất, chính quyền thành phố Cát Lâm đã cho công bố quy định mới về “làn xanh ưu tiên”, cho phép lái xe địa phương được chở phân bón, giống cây trồng đến các khu vực khác. Nhưng khi quay về số lái xe này vẫn phải thực hiện các quy định cách ly phòng dịch.