"Yêu" trong sợ hãi

Mỗi lần ‘gần’ chồng là Nguyệt rúm ró vì đau. Vì đang muốn con em bé nên Nguyệt không dám dùng dầu bôi trơn, có lúc chất nhờn ra ít, lúc thì ra nhiều nhưng không hiểu sao Nguyệt vẫn thấy rất đau.

"Yêu" trong sợ hãi

“Mình mới cưới được vài tháng thôi nhưng ‘chuyện ấy’ thì chẳng khác gì đang bị tra tấn cả. Một vài lần đầu thì khá thoải mái nhưng không hiểu sao giờ mình rất đau. Có khi nào tình cảm của mình dành cho chồng nhạt đi rồi nên mới thế không?” – Nguyệt kể.

Cùng cảnh ngộ với Nguyệt, Quỳnh (quận 3, TP HCM) rất sợ hãi chuyện chăn gối vì bị đau. Quỳnh kể, cô mới lấy chồng được ít lâu nhưng “chuyện đó” rất khó khăn. Có lần đau quá, Quỳnh phải bỏ cuộc giữa chừng. Sau lần ấy, Quỳnh thấy rất sợ nên e ngại gần chồng. Chính điều này khiến anh xã Quỳnh giận dỗi và căng thẳng với vợ suốt.

“Mình đọc báo thấy có cảnh chồng cho vợ uống thuốc ngủ mới ‘quan hệ’ được. Nhiều khi nghĩ, hay mình cũng uống thuốc ngủ cho chồng làm gì thì làm” – Quỳnh thổ lộ.

Đau khi yêu có thể khắc phục được

Không ít chị em gặp phải chứng “đau” dẫn tới sợ “yêu” ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Ở những phụ nữ mới kết hôn thì tình trạng này càng dễ gặp. Nguyên nhân có thể do tâm lý quá căng thẳng ở những lần đầu “gặp gỡ”. Hoặc anh xã quá “hùng dũng” khiến người vợ trẻ e ngại, xấu hổ... Có khi, lỗi là ở chỗ chị em không tin nổi vì sao “vũ khí” của chồng lại vừa với “chỗ” nhỏ bé của mình. Vì thế, nên tâm lý chưa được thả lỏng khiến các cơ âm đạo không thể giãn nở “hết mình”. Từ đó khiến “đường vào” bị co hẹp, gây đau đớn.

Chưa kể, vô số chị em tự mặc định rằng những lần đầu ấy chắc chắn phải đau. Vậy là chưa “vào cuộc” đã nghĩ tới đau, nảy sinh ức chế, gây đau thật. Càng đau càng sợ - càng sợ lại càng đau, đó là vòng luẩn quẩn không có lối ra...

Do đó, nếu là nguyên nhân này thì chị em cần học cách cân bằng tâm lý, “trước lạ, sau quen” thì tình hình tự nhiên sẽ được suôn sẻ. Trường hợp nặng hơn, không thể tự chữa được thì nên trao đổi với bác sĩ tâm lý.

Ngoài ra, có thể dùng cách “tự xử” để kiểm tra xem có đau như khi gần gũi chồng không. Nếu không thì tìm ra sự khác biệt giữa hai cách ấy và áp dụng nó vào “giao ban” thực thụ.

Để nửa bên kia không tự ái mà sinh mâu thuẫn, vợ chồng nên nhẹ nhàng tâm tình với nhau. Những trường hợp thế này, vai trò của người chồng là cực kỳ quan trọng. Nhiều khi, người chồng chỉ cần chuyển từ “hùng hục” sang nhẹ nhàng, chuyển từ dữ dội sang dịu êm... là đủ giúp vợ thoát cơn đau. Cũng có khi thay đổi sang một tư thế mới như phụ nữ “ở trên” chẳng hạn cũng có tác dụng hữu ích.

Nguyên nhân gây đau cũng có thể do bệnh lý, cần điều trị, chẳng hạn như: viêm xương chậu, viêm màng dạ con, bệnh lây truyền qua đường tình dục, khô âm đạo, viêm nhiễm...

Theo Ngọc Bình
Mevabe

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/2011111509384319p0c1007/yeu-trong-so-hai.htm