Yên Bái phát triển hợp tác xã nông nghiệp - Bài cuối: 'Trụ đỡ' để hợp tác xã nông nghiệp bứt phá

Phát triển HTX nông nghiệp có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.

Lãnh đạo huyện Văn Yên giới thiệu với các đoàn khách trong và ngoài nước về giống quế của huyện.

Lãnh đạo huyện Văn Yên giới thiệu với các đoàn khách trong và ngoài nước về giống quế của huyện.

Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai hỗ trợ HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn gắn tem truy xuất nguồn gốc trên 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ; đồng thời, dán bộ tem trên sản phẩm chè khô đóng gói chia theo 4 nhóm tuổi gồm: 500 tuổi trở lên, trên 400 tuổi, trên 200 tuổi và từ 100 tuổi trở lên. Việc làm này đã đáp ứng yêu cầu khắt khe khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế cũng như đáp ứng yêu cầu minh bạch thông tin của khách hàng khi chỉ cần quét mã QR có thể nắm được những thông tin về sản phẩm.

Bà Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn chia sẻ: "Qua thí điểm triển khai đối với cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ nét, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng và thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp tại địa phương. Cũng từ đó, HTX đã có 2 sản phẩm trà đã đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu và xuất khẩu sang nước Anh”.

Cũng giống như trà Shan tuyết Suối Giàng, sau khi được hỗ trợ xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao, gắn tem truy xuất nguồn gốc và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, giá trị của khoai sọ Trạm Tấu đã được nâng lên rất nhiều. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: "Năm vừa qua, giá khoai sọ dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg (cao nhất từ trước đến nay). Việc được cấp giấy chứng nhận, giúp sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu trở thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường trong, ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm khoai sọ nương; đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. Sản phẩm cũng được bảo đảm ổn định về chất lượng, chính xác về nguồn gốc và được pháp luật bảo vệ”.

Từ thực tế trên cho thấy, nếu các HTX nông nghiệp được hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật, công nghệ cũng như xúc tiến thương mại thì thị trường sẽ được mở rộng, giá trị sản phẩm nông sản được nâng cao và tăng thu nhập cho người nông dân. Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ, định hướng các HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng; tổ chức, hỗ trợ các HTX nông nghiệp tham gia các hội trợ, XTTM, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình HTX kiểu mới, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, xây dựng sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ các HTX thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất, dịch vụ, cách thức bán hàng trên không gian mạng…

Những giải pháp hữu hiệu này, đã tạo động lực để các HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng có sự phát triển cả về chất và lượng, góp phần tạo chuyển biến cho kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, trước bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều xu hướng, đặc điểm mới, tạo cơ hội và thách thức, thì các HTX nông nghiệp rất cần "trụ đỡ” vững chắc để "bứt phá” trở thành nòng cốt của kinh tế nông thôn.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh thường xuyên nắm bắt những khó khăn tại cơ sở để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh thường xuyên nắm bắt những khó khăn tại cơ sở để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu quan điểm chỉ đạo: kinh tế tập thể (KTTT) là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố, phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân và có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động SXKD với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bám sát quan điểm trên, cùng với các chính sách hỗ trợ đối với tổ chức kinh tế tập thể của trung ương, HĐND tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, nhằm tạo động lực thúc đẩy các HTX phát triển.

Cùng đó, các địa phương, ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện về chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi phát triển sản xuất cho doanh nghiệp, HTX khôi phục và mở rộng SXKD. Tỉnh cũng bổ sung thêm nguồn lực cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, giao cho Liên minh HTX tỉnh quản lý nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho HTX...

Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Đồng hành với các HTX, huyện đã thành lập Tổ tư vấn phát triển HTX, hỗ trợ, khuyến khích các HTX áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện quy trình sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm theo quy trình VietGAP, sản xuất hữu cơ. Bên cạnh đó, huyện tích cực hỗ trợ thành lập mới các HTX nông nghiệp; trong đó, chú trọng phát triển HTX sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương để hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra. Đồng thời, nhân rộng các mô hình mới, HTX điển hình tiên tiến, SXKD hiệu quả và tập trung xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực với quy mô lớn của tỉnh”.

Còn theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đỗ Nhân Đạo, thời gian tới, Liên minh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ quản lý đối với HTX nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh đã được ban hành như: Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội... Cùng đó, tham mưu thực hiện hiệu quả chính sách HTX được giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ HTX liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm; hỗ trợ phí mua bảo hiểm nông nghiệp…

Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu HTX nông nghiệp phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao hiệu quả hoạt động. Vì vậy, khi có các "trụ đỡ” vững chắc trên, các HTX nông nghiệp sẽ thực sự trở thành nòng cốt của kinh tế nông nghiệp.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh hỗ trợ khoảng 325 HTX, liên hiệp HTX thành lập mới trên địa bàn; hỗ trợ đào tạo với đối tượng là thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các HTX, liên hiệp HTX toàn bộ kinh phí chi trả học phí, tài liệu học tập theo quy định của cơ sở đào tạo và hỗ trợ kinh phí ăn, ở cho học viên bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng/người/tháng. Hỗ trợ lương cho lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại HTX trên địa bàn với mức hỗ trợ hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, tối đa 36 tháng/người; hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước với các HTX...

Hùng Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/323037/yen-bai-phat-trien-hop-tac-xa-nong-nghiep---bai-cuoi-tru-do-de-hop-tac-xa-nong-nghiep-but-pha.aspx