Xung đột Nga-Ukraine: Nỗ lực đàm phán dưới làn đạn
Tình hình trên chiến trường của cuộc xung đột Nga-Ukraine cho thấy Moscow và Kiev khó có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian vào dịp lễ Phục sinh (20-4).
Tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine và tìm kiếm một nền hòa bình bền vững cho Ukraine đã cho thấy những dấu hiệu tích cực, đặc biệt sau chuyến thăm của Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tới Nga cuối tuần qua.
Tuy nhiên, việc quân Nga phóng tên lửa vào TP Sumy của Ukraine hôm 13-4 khiến ít nhất 35 người thiệt mạng đã làm nỗ lực hòa giải thêm trắc trở, do đó một thỏa thuận ngừng bắn nhanh chóng vào dịp lễ Phục sinh (20-4) mà Mỹ đặt ra có vẻ khó có thể đạt được.

Hiện trường vụ Nga tấn công tên lửa đạn đạo vào Sumy (Ukraine) ngày 13-4. Ảnh: AFP
Đàm phán hòa bình Ukraine đang ở đâu?
Trên bàn đàm phán, cả Mỹ (quốc gia trung gian), Nga và Ukraine đều bày tỏ mong muốn nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột đã kéo dài hơn ba năm nay.
Ngày 12-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine đang "diễn ra tốt đẹp", nhưng nhấn mạnh rằng một giải pháp phải sớm được đưa ra. "Có một thời điểm mà bạn phải hoặc là chịu đựng hoặc là im lặng. Chúng ta hãy xem điều gì sẽ xảy ra, nhưng tôi nghĩ mọi chuyện sẽ ổn thôi” - ông Trump nói.
Trước đó, Đặc phái viên Witkoff đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 11-4 tại Nga. Chuyến thăm là một phần trong những nỗ lực đang diễn ra của chính quyền Tổng thống Trump nhằm làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn xung đột Nga-Ukraine. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói rằng chuyến thăm ông Witkoff nhằm tạo điều kiện cho các kênh liên lạc trực tiếp giữa Mỹ và Nga, như một phần trong nỗ lực rộng hơn để đàm phán ngừng bắn và tiến tới một thỏa thuận hòa bình cho xung đột ở Ukraine.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng Tổng thống Putin và Đặc phái viên Witkoff đã thảo luận “các khía cạnh liên quan đến việc giải quyết xung đột tại Ukraine”, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết. Đến ngày 14-4, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky nói với hãng tin Izvestia rằng các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về vấn đề Ukraine hiện chỉ diễn ra trên cơ sở song phương.
Tổng biên tập tạp chí Russia in Global Politics - ông Fyodor Lukyanov nhận định với tờ Vedomosti rằng mặc dù chưa có thỏa thuận chính thức nào được đưa ra, nhưng chuyến thăm của "người đáng tin cậy nhất của Tổng thống Trump" báo hiệu rằng các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra. Nhà nghiên cứu cấp cao Lev Sokolshchik tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Toàn diện thuộc Trường Kinh tế Cao cấp (HSE - Moscow) cũng cho rằng ông Witkoff vẫn duy trì lập trường mang tính xây dựng cao đối với Nga và cam kết thúc đẩy thỏa hiệp và gây áp lực lên Ukraine để giúp giải quyết xung đột một cách hòa bình.
Theo truyền thông Mỹ, ông Witkoff đóng vai trò ngày càng lớn trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, chuyên gia Sokolshchik lưu ý rằng ông Witkoff chỉ là một nhân vật có ảnh hưởng trong vòng tròn thân cận của tổng thống Mỹ - nơi mà thái độ "diều hâu" hơn cũng có thể xuất hiện.
Ukraine cũng bày tỏ thiện chí hòa bình. Ngày 13-4, tại Diễn đàn ngoại giao Antalya ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Ukraine - ông Andrii Sybiha phát biểu rằng Kiev vẫn tìm kiếm hòa bình và muốn chấm dứt xung đột với Nga trong năm nay, theo tờ Kyiv Independent. "Chúng tôi muốn chấm dứt cuộc chiến này trong năm nay. Nhưng điều quan trọng là không được thao túng” - ông Sybiha nói, nhấn mạnh rằng việc đạt được hòa bình lâu dài là rất quan trọng vì kết quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ định hình cấu trúc an ninh tương lai của châu Âu.
Đài CNN Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13-4 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ rằng đại diện Nga và Ukraine sẽ có cuộc đàm phán trực tiếp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15 và 16-4 tại trụ sở Lực lượng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara. Các phái đoàn từ hai nước sẽ gặp nhau để thảo luận về an ninh ở Biển Đen. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine đã bác bỏ báo cáo trên, khẳng định “không có cuộc đàm phán nào được lên kế hoạch”, trong khi Điện Kremlin từ chối bình luận.
Ngày 14-4, Nga và Ukraine tố nhau tấn công qua biên giới. Phía Nga nói rằng ít nhất một thường dân đã thiệt mạng và chín người bị thương sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine vào Kursk. Trong khi đó, Ukraine nói quân đội Nga một lần nữa tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào Sumy.
Cuộc tấn công ở Sumy khiến đàm phán thêm khó?
Ukraine cho biết Nga đã nã 2 tên lửa đạn đạo vào Sumy khiến ít nhất 35 dân thường thiệt mạng và 117 người bị thương. Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất trong năm nay của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng 2 tên lửa đạn đạo Iskander-M đã tấn công TP Sumy khiến ít nhất 60 chỉ huy cấp cao của Ukraine và phương Tây thiệt mạng. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thì nói rằng có một số lính của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở khu vực mà Nga tấn công và những người này trực tiếp chỉ huy cuộc chiến.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES
Cuộc tấn công tên lửa vào Sumy có thể sẽ gây trở ngại cho cuộc đàm phán nhằm kết thúc cuộc xung đột Nga-Ukraine mà Mỹ đang làm trung gian. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với các cuộc đàm phán hòa bình dựa trên nhu cầu giải quyết thỏa hiệp. Tháng trước, Kiev và Moscow đã đồng ý thực hiện thỏa thuận ngừng bắn một phần, do Mỹ làm trung gian và đàm phán tại Saudi Arabia, trong đó hai bên đồng ý dừng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng và khu vực Biển Đen.
Ông Trump đã tìm cách thuyết phục Moscow và Kiev bằng cách chỉ ra cái giá tàn khốc của các cuộc chiến liên tục, đồng thời lập luận rằng không bên nào có thể thực tế hy vọng đạt được mục tiêu của mình thông qua các biện pháp quân sự, theo tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương.
Phản ứng trước cuộc tấn công tên lửa của Nga, ông Trump nói đó là một điều “khủng khiếp”, đồng thời cho rằng Nga “đã phạm sai lầm". Trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh rằng cuộc tấn công “là lời nhắc nhở bi thảm về lý do tại sao Tổng thống Trump và chính quyền của ông lại dành nhiều thời gian và công sức để cố gắng chấm dứt cuộc chiến này và đạt được hòa bình lâu dài”.
Dù vậy, cuộc tấn công của Nga vào Sumy đang khiến nỗ lực của Tổng thống Trump gặp khó. Trong nội bộ Mỹ, các nghị sĩ và cố vấn của đảng Cộng hòa đã lên tiếng kêu gọi ông Trump phải tăng áp lực lên ông Putin nếu muốn đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng cuộc tấn công nhằm vào Ukraine “dường như là câu trả lời của ông Putin cho những nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn và hòa bình”, theo tờ The Guardian.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Greg Meeks - thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ - đệ trình một dự luật hỗ trợ Ukraine nhằm gây sức ép buộc chính quyền Tổng thống Trump ủng hộ chính quyền Kiev. Dự luật này nêu rằng Mỹ sẽ cung cấp kinh phí an ninh và tái thiết cho Ukraine, cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh tay đối với Nga, theo hãng tin Reuters.
Chính quyền Ukraine cho biết các cuộc tấn công cho thấy Nga đang phớt lờ lời kêu gọi ngừng bắn của Mỹ. Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky nói rằng hành vi của Nga cho thấy Moscow đang muốn kéo dài cuộc chiến và do đó các nước cần gây áp lực hơn nữa lên Nga. Tuần trước, ông Pavlo Palisa – Phó Chánh văn phòng tổng thống Ukraine – cũng đã vạch ra lằn ranh đỏ, khẳng định Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ giới hạn nào liên quan quy mô hay năng lực chiến đấu của lực lượng vũ trang Ukraine trong quá trình đàm phán với Nga.
Mới đây, ngày 14-4, Ngoại trưởng Nga thừa nhận rằng việc nhất trí về các vấn đề cơ bản trong giải quyết vấn đề Ukraine là điều khó khăn, theo hãng thông tấn TASS. Khi được hỏi liệu các bên có thống nhất được về các thông số cơ bản của một khung giải quyết hay không, ông Lavrov trả lời là không, đồng thời nhấn mạnh rằng một thỏa thuận chỉ có thể đạt được khi các nguyên nhân gốc rễ của nó bị loại bỏ.
Ông Trump phản hồi vụ ông Zelensky yêu cầu viện trợ hệ thống phòng không Patriot
Ngày 14-4, Tổng thống Trump nói rằng Tổng thống Zelensky “đáng lẽ không bao giờ nên phát động chiến sự với Nga”, theo hãng tin France 24.
“Ông [Zelensky] lúc nào cũng tìm cách mua tên lửa” - Tổng thống Trump nhắc lại vụ ông Zelensky gần đây yêu cầu Mỹ viện trợ thêm hệ thống phòng không Patriot.
“Nếu muốn phát động chiến sự, thì phải chắc chắn rằng mình có thể giành chiến thắng. Không ai đi gây chiến với một đối thủ mạnh gấp 20 lần mình rồi trông chờ người khác tặng vài quả tên lửa để chiến đấu cả” - ông Trump nói.
Ông Trump cũng nhắc lại rằng, trong nhiệm kỳ đầu, ông từng cung cấp cho Ukraine các tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xung-dot-nga-ukraine-no-luc-dam-phan-duoi-lan-dan-post844490.html