Xuất khẩu tôm Việt Nam quý I/2025 tăng mạnh 37%, đạt gần 1 tỷ USD
Theo thống kê từ Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong quý I/2025 đạt 939 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả ấn tượng này chủ yếu nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy vậy, đằng sau những con số khả quan này vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt trước các động thái áp thuế mới từ chính quyền Tổng thống Trump và những bất ổn kéo dài trong thương mại toàn cầu.
Trung Quốc – Hong Kong: Tăng trưởng bứt phá nhờ nhu cầu tiêu dùng lễ hội
Trung Quốc và Hong Kong ghi nhận sự tăng trưởng nổi bật, với kim ngạch xuất khẩu đạt 288 triệu USD, tăng mạnh 125% so với cùng kỳ. Nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường này được thúc đẩy bởi nhu cầu tích trữ phục vụ kỳ nghỉ lễ Lao động (1–5/5), trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường nhập khẩu thủy sản để đáp ứng nhu cầu nội địa.

Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong quý I/2025 đạt 939 triệu USD, tăng 37%.
Giá xuất khẩu tôm sú Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 3 đạt trung bình 9,6 USD/kg, nhích nhẹ so với đầu năm. Trong khi đó, giá tôm chân trắng chỉ đạt 6,6 USD/kg, phản ánh áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ như Ecuador và Ấn Độ.
Thị trường Mỹ: Tăng trưởng đi kèm với nguy cơ từ chính sách thuế mới
Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý I đạt 134 triệu USD, tăng 11%. Động lực tăng trưởng ngoài nhu cầu thị trường còn đến từ sự kiện Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ 2025, tổ chức tại Boston từ ngày 16–18/3. Đây là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng mạng lưới khách hàng, củng cố mối quan hệ đối tác truyền thống, đồng thời nâng cao sự hiện diện thương hiệu tại thị trường cao cấp này.
Giá xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ hiện đang ở mức cao nhất trong các thị trường lớn: tôm chân trắng đạt 10,9 USD/kg, còn tôm sú ổn định ở mức 17,7 USD/kg trong tháng 3.
Tuy nhiên, bối cảnh thương mại với Mỹ đang trở nên phức tạp hơn. Từ ngày 2/4/2025 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và áp dụng mức thuế đối ứng với toàn bộ các đối tác thương mại, nhằm giảm thâm hụt và bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam không chỉ phải đối mặt với mức thuế mới mà còn đang chịu áp lực từ hai vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đang diễn ra.
Đáng chú ý, từ ngày 10/4, Mỹ đã nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%, trong khi tạm hoãn áp dụng biện pháp tương tự với các nước không có hành động trả đũa trong vòng 90 ngày. Điều này có thể khiến Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, gián tiếp làm gia tăng cạnh tranh đối với sản phẩm tôm Việt Nam tại những khu vực này.
EU: Dấu hiệu phục hồi tích cực
Xuất khẩu tôm sang thị trường châu Âu trong quý I/2025 đạt 107 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Giá tôm chân trắng xuất khẩu sang EU duy trì mức ổn định 7,6 USD/kg, trong khi giá tôm sú tăng nhẹ, đạt 10,9 USD/kg trong tháng 3.
Sắp tới, Triển lãm Thủy sản Toàn cầu lần thứ 31 (Seafood Expo Global 2025), diễn ra từ ngày 6–8/5 tại Fira de Barcelona, Tây Ban Nha, sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường. Tham gia triển lãm không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối, chuỗi siêu thị lớn ở châu Âu, mà còn nắm bắt xu hướng tiêu dùng, cập nhật các yêu cầu kỹ thuật mới, tăng cường khả năng thích ứng trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt. Đây được kỳ vọng sẽ là cú hích quan trọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam trong quý II và cả năm 2025.
Nhật Bản và Hàn Quốc: Tín hiệu hồi phục song giá còn nhiều biến động
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong quý I đạt 124 triệu USD, tăng 20%, trong khi xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 77 triệu USD, tăng 16%. Thị trường Nhật Bản duy trì nhu cầu cao đối với các sản phẩm tôm chế biến và thực phẩm đông lạnh tiện lợi.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu đang ghi nhận xu hướng giảm so với đầu năm. Cụ thể, giá tôm chân trắng xuất khẩu sang Nhật giảm từ 9,5 USD/kg xuống còn 8,4 USD/kg; giá tôm sú cũng giảm từ 14,7 USD/kg xuống 13,6 USD/kg. Tại Hàn Quốc, tình hình giá cũng biến động theo xu hướng tương tự, phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các nước châu Á khác.
CPTPP và các thị trường khác: Tăng trưởng chưa đồng đều
Xuất khẩu tôm sang khối CPTPP trong ba tháng đầu năm đạt 269 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, tăng trưởng chủ yếu vẫn tập trung vào hai thị trường lớn là Nhật Bản và Canada. Các thị trường nhỏ hơn ngoài top đầu ghi nhận sự suy giảm, phần lớn do chi phí logistics cao và các rào cản kỹ thuật gia tăng.
Dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu tôm Việt Nam có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu ổn định từ các thị trường truyền thống. Dù vậy, mục tiêu đạt 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2025 vẫn là thách thức lớn, khi ngành tôm phải đối mặt với các yếu tố bất lợi như chính sách thuế mới của Mỹ và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt trên toàn cầu.