Xuất khẩu hàng hóa: Dự báo khó khăn

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 462,22 triệu USD (tăng 6,47% so năm trước đó) và được đánh giá giữ mức tăng trưởng khá với các thị trường ổn định. Do vậy bước sang năm 2020, Bình Thuận phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu lên gần 500 triệu USD, nhưng giờ đây lại đối diện thách thức mang tên 'Covid - 19'…

Xuất khẩu hàng hóa

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của địa phương trong năm vừa qua cho thấy, châu Á vẫn là thị trường dẫn đầu với 292,25 triệu USD (tăng gần 10%) nhờ tăng kim ngạch ở mặt hàng may mặc, giày dép, hải sản, nước mắm, đồ gỗ, giấy, nhân hạt điều, thanh long và rau quả. Tiếp đến là thị trường châu Mỹ đạt 87,5 triệu USD (tăng 18,65%) nhờ vào kim ngạch ở một số mặt hàng như hải sản đông lạnh, nhân hạt điều, giấy, giày dép và các phụ liệu giày dép… Còn lại, hàng hóa địa phương xuất sang thị trường châu Âu đem về 62,11 triệu USD, thị trường châu Đại Dương đạt 4,1 triệu USD và thị trường châu Phi khoảng 2 triệu USD.

Theo kế hoạch đề ra, năm 2020 sẽ nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 496,3 triệu USD, trong đó trông chờ vào các mặt hàng: May mặc (210 triệu USD), hải sản (140 triệu USD), giày dép các loại (77,5 triệu USD), nông sản (11,3 triệu USD)… Kết thúc quý I năm nay, do chưa chịu tác động nhiều từ dịch Covid - 19 nên hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đem về cho địa phương 101 triệu USD, tăng 2,9% so cùng kỳ năm ngoái. Đáng mừng là nhóm hàng hải sản vẫn đạt kim ngạch khá với 31 triệu USD, tăng 11,8% và nhóm hàng hóa khác tham gia xuất khẩu đạt 68,5 triệu USD, tăng 1,6%. Riêng nhóm hàng nông sản xuất khẩu chỉ mới đạt 1,5 triệu USD, giảm xấp xỉ 50% so cùng kỳ do bị ảnh hưởng đáng kể của dịch bệnh. Nguyên nhân bởi nông sản của Bình Thuận chủ yếu xuất sang Trung Quốc, nên trong quý I/2020 - khi mà thị trường đông dân nhất thế giới triển khai nhiều biện pháp chống dịch nghiêm ngặt thì mặt hàng thanh long xuất khẩu giảm 27,7%, còn cao su giảm 87,2% so cùng kỳ…

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu của địa phương cũng gặp khó khăn trong việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, hoặc tìm kiếm thị trường thay thế… Khả năng từ quý II/2020 trở đi, một số doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hay doanh nghiệp có sản phẩm tham gia xuất khẩu (như may mặc, giày dép, hải sản chế biến, thùng carton, ván lót, cản bửng xe…) sẽ gặp khó. Vì vậy nếu không kịp thời tìm kiếm được nguồn nguyên liệu thay thế hoặc không có thị trường tiêu thụ mới, có thể xảy ra trường hợp phải đóng cửa, ngưng hoạt động đối với đối tượng doanh nghiệp nhỏ, không đủ năng lực…

Thêm nữa, tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến khó đoán định ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và hàng loạt nước châu Âu, dẫn đến công tác thông quan tại các cửa khẩu được kiểm soát nghiêm ngặt. Ngoài ra các doanh nghiệp, siêu thị ở những thị trường này cũng hạn chế hoạt động so bình thường, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài tiếp tục có xu hướng giảm… Thế nên cần nhanh chóng tìm kiếm giải pháp phù hợp để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp.

QUỐC TÍN

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/xuat-khau-hang-hoa-du-bao-kho-khan-126393.html