Xếp hạng để bảo tồn di tích

Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích là việc làm cần thiết trong tiến trình phát triển văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Ban quý tế di tích đình Định Quán, TT.Định Quán (H.Định Quán) đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Ảnh: CTV

Ban quý tế di tích đình Định Quán, TT.Định Quán (H.Định Quán) đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Ảnh: CTV

Nhiều di tích trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã được lập hồ sơ khoa học, xếp hạng cũng như có chủ trương trùng tu, tôn tạo các di tích theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

* Thêm nhiều di tích xếp hạng

Theo hồi cố của các bô lão địa phương, di tích đình Định Quán (KP.Hiệp Đồng, TT.Định Quán, H.Định Quán) ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ thờ Thành hoàng được vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhung - người dân địa phương lập nên vào thế kỷ XIX tại khu vực Đá Ba Chồng. Sau đó, đình dời về dốc Hiệp Đồng, phía sau vị trí đình ngày nay. Năm 1963, Ban quý tế đình tiếp tục di dời và xây dựng nên ngôi đình bằng gạch, mái lợp ngói âm dương. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình Định Quán có diện mạo như ngày nay.

Đình Định Quán có lối kiến trúc truyền thống của đình làng Nam bộ. Hàng năm, Ban quý tế và các tầng lớp nhân dân tổ chức lễ Kỳ yên vào ngày 16, 17-2 với các nghi thức truyền thống nhằm tạ ơn Thành hoàng bổn cảnh, các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập ấp, mưa thuận gió hòa. Ngoài ra, đình còn tổ chức các lễ cúng Thượng quân (16 tháng Giêng); Hạ điền (16-3 âm lịch); Hậu hiền (16-10 âm lịch)…

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử của đình, ngày 31-1, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử đình Định Quán.

Đồng Nai hiện có 67 di tích đã được xếp hạng. Trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia, 36 di tích cấp tỉnh và hơn 1,5 ngàn di tích được kiểm kê phổ thông.

Trưởng ban Quý tế đình Định Quán Thi Văn Cư phấn khởi chia sẻ: “Di tích được xếp hạng là niềm vui và tự hào không chỉ của Ban quý tế đình, của chính quyền mà còn của cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tổ chức các hoạt động văn hóa, giữ gìn các giá trị truyền thống của di tích, góp sức cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di tích”.

Di tích khảo cổ học Gò Me (ở ấp Chính Nghĩa, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 129/QĐ-UBND về xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 31-1. Di tích được phát hiện và khai quật thám sát lần đầu tiên vào năm 2004 trong chương trình phối hợp nghiên cứu giữa Bảo tàng Đồng Nai và Trung tâm Khảo cổ viện khoa học xã hội vùng Nam bộ.

Trải qua nhiều lần khai quật, các nhà khoa học xác định cư dân cổ Gò Me sinh sống tại đây qua nhiều giai đoạn khác nhau, kéo dài từ 3.000 đến 2.000 năm cách ngày nay. Hiện vật thu thập được qua những lần khai quật gồm: hiện vật chất liệu kim loại, đá, gốm, thủy tinh, xương… Những phát hiện tại di tích Gò Me đã từng bước làm rõ nét hơn diện mạo văn hóa xã hội của cư dân cổ.

Bên cạnh các di tích được xếp hạng, cũng có di tích được đề xuất thu hồi quyết định xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó, di tích Tòa bố Biên Hòa (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) được xếp hạng di tích lịch sử, cách mạng cấp tỉnh theo Quyết định số 62/QĐ.UBT ngày 16-2-1979. Sau năm 1995, khu vực này đã xây dựng trụ sở Khối Nhà nước tỉnh. Hiện nay, dấu vết di tích Tòa bố Biên Hòa xưa không còn nên việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích không thực hiện được.

Căn cứ vào Khoản 2, Điều 30 Luật Di sản văn hóa, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định: “Trong trường hợp di tích đã được xếp hạng mà sau đó có đủ căn cứ xác định là không đủ tiêu chuẩn hoặc bị hủy hoại, không có khả năng phục hồi thì người có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích nào có quyền ra quyết định hủy bỏ xếp hạng di tích đó”. Do vậy, các đơn vị liên quan sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét thu hồi quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh Tòa bố Biên Hòa.

* Tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích

Từ đầu năm đến nay, nhiều di tích đã có chủ trương trùng tu, tôn tạo. Nổi bật là di tích Nhà hội Bình Trước (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991. Hiện nay, nhiều hạng mục của di tích Nhà hội Bình Trước đã xuống cấp, trong đó có nóc nhà chính và cổng tường rào.

Trên cơ sở đề xuất của Đồng Nai, Bộ VH-TTDL đã có thỏa thuận Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích quốc gia Nhà hội Bình Trước với nội dung tu bổ mái ngói, khung mái, trần thạch cao, phục hồi trang trí mái; tu bổ cổng sắt, tường rào, biển tên di tích. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn gửi nhật ký công trình và hồ sơ hoàn công về Bộ để lưu giữ và quản lý theo quy định.

Mới đây nhất, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Trần Hưng Đạo (ở xã Bình Sơn, H.Long Thành). Hiện nay, nhiều hạng mục của di tích này đã xuống cấp. Việc trùng tu, tôn tạo di tích được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa do địa phương vận động. UBND tỉnh giao Sở VH-TTDL chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn UBND H.Long Thành lập hồ sơ và thực hiện việc trùng tu, tôn tạo di tích theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh, được trùng tu, tôn tạo không chỉ là nguồn động viên cho các tầng lớp nhân dân, mà còn góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Theo Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan, trong thời gian tới, ngành VH-TTDL tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh công tác trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, thu hút hơn nữa người dân và du khách tham quan.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202303/xep-hang-de-bao-ton-di-tich-3159727/