Xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ là yêu cầu cấp bách

Dự án Luật Đo đạc và bản đồ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 14 diễn ra vào sáng 12/9.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ.

Luật áp dụng đối với cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ trong phạm vi nước CHXHCN Việt Nam.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, trong suốt quá trình phát triển, ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng, phục vụ công cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia; phục vụ điều tra cơ bản, quản lý và quy hoạch lãnh thổ; phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường; cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội và nhiều mục tiêu cộng đồng khác...

“Trong bối cảnh tình hình an ninh, quốc phòng khu vực cũng như trên thế giới hiện nay có nhiều phức tạp, đồng thời để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ, việc sửa đổi và nâng tầm pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ hiện hành, bổ sung các quy định còn thiếu để xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ là yêu cầu cấp bách và thực tiễn khách quan”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về “Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu theo chuẩn quốc tế. Có cơ chế phù hợp khai thác, chia sẻ thông tin, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu”. Việc xây dựng dự án Luật cũng nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, khắc phục tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí; thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ và xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ… phục vụ có hiệu quả hơn phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Thảo luận tại hội trường, đa số các thành viên UBTVQH bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ; cho rằng dự án Luật phải được xây dựng trên tinh thần quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm bảo đảm cung cấp thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn;...

Đồng thời phải đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ đo đạc và bản đồ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho sản xuất và phát triển các ứng dụng thông tin địa lý phục vụ nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội; sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu của đời sống.

Phạm vi điều chỉnh của Luật; nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ;chính sách của Nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ;chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ;tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đo đạc và bản đồ; hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ; quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; hệ thống thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; quản lý, lưu trữ, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; quản lý Nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ;... là những nội dung lớn được các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban soạn thảo cần hoàn thiện thêm, thể hiện rõ hơn, sâu sắc hơn việc cần thiết phải ban hành Luật trong tình hình hiện nay.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo làm rõ việc xây dựng dự thảo Luật dựa trên tổng kết việc thực hiện Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22/1/2002 hay Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ, bởi Nghị định 45 mới thi hành được một thời gian ngắn. Tờ trình dự án Luật cần phải nêu rõ được những bất cập hiện nay để thấy được việc ra đời của Luật Đo đạc và bản đồ là cần thiết, tháo gỡ những vướng mắc lâu nay trong lĩnh vực này.

Nêu hoạt động đo đạc và bản đồ liên quan trực tiếp tới quốc phòng an ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, tuy dự thảo Luật đã có một số quy định nằm rải rác tại các điều, nhưng trước tầm quan trọng của hoạt động đo đạc và bản đồ liên quan tới quốc phòng, an ninh quốc gia, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm các quy định để bảo đảm chặt chẽ đối với các vấn đề liên quan tới quan tới an ninh, quốc phòng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất dự Luật cần có các chính sách để cụ thể thực hiện việc Nhà nước ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của sự phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đào tạo nhân lực trình độ cao.

Nhiều ý kiến nhận định, hoạt động đo đạc và bản đồ có liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, nội dung của dự thảo Luật liên quan đến nhiều luật đã ban hành và một số luật đang trình Quốc hội. Vì vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, quy định rõ hơn các nội dung của dự thảo Luật với các luật có liên quan để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/xay-dung-luat-do-dac-va-ban-do-la-yeu-cau-cap-bach/316374.vgp