Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc

'Xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình trong bối cảnh thời 4.0' là một chủ đề được đông đảo cán bộ, nhân dân quan tâm.

“Xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình trong bối cảnh thời 4.0” là một chủ đề được đông đảo cán bộ, nhân dân quan tâm. Đã có nhiều hội thảo do các cơ quan chức năng tổ chức, luận đàm, chia sẻ kinh nghiệm, để từ đó phổ biến, nhân ra diện rộng. Nhưng tôi đã không ngồi ở một hội thảo nào, mà về các miền quê để gặp gỡ, lắng nghe những sẻ chia từ mộc mạc, đời thường.

Vợ chồng ông bà Dương Minh Huệ - Nguyễn Thị Thắng, ở tổ dân phố An Châu, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công) cùng các cháu nội, ngoại. Ảnh: T.L

Tôi đã gặp rất nhiều những cuộc đời bình dị, họ bằng lòng với hạnh phúc mình có, nhưng lại là niềm mơ ước của bao người. Vợ chông ông Lưu Văn Bất - Nguyễn Thị Nguyên, ở tổ 8, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), là một minh chứng.

Ông Bất nói ôn tồn: Vợ chồng tôi đều tuổi ngoài “thất thập cổ lai”. Mấy mươi năm chung sống, có với nhau 3 mặt con nhưng chưa bao giờ to tiếng làm phiền đến hàng xóm. Các con tôi đều đã có gia đình, ở riêng.

Đỡ lời chồng, bà Nguyên chia sẻ: Để có cuộc sống ổn định như bây giờ, vợ chồng tôi từng phải bươn trải trăm bề. Nấu rượu, nuôi lợn, có lúc đi vào làng mua từng quả trứng mang ra chợ bán kiếm lời lấy tiền đong gạo nuôi con ăn học. Khó khăn, thiếu thốn càng làm vợ chồng tôi son sắt hơn.

“Muối mặn, gừng cay”, vợ chồng hòa thuận thì “Râu tôm nấu với ruột bầu” còn ngon hơn đặc sản. Ông Vũ Thành Ninh, xóm Tướng Quân, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), chia sẻ: Tôi là thương binh, nạn nhân chất độc da cam… là cái "máy dự báo thời tiết". Mỗi khi trái gió trở trời người đau nhức, mỏi mệt, nên mọi việc trong nhà đều trông cậy vào vợ con…

Vừa rót nước mời khách, bà Nguyễn Thị Huân, vợ ông Ninh, vừa nói nhỏ nhẹ: Ngày các con còn nhỏ thì phải lo ăn, lo học. Khổ mãi rồi cũng qua. Nay cả 5 đứa đều có sự nghiệp riêng. Nhà còn lại 2 vợ chồng già chăm nhau. Cuối tuần các con, cháu mới về, ríu ran trò chuyện. Tôi thường khuyên các cháu: Cuộc sống giản đơn lắm “Một điều nhịn, chín điều lành”.

Chuyện hạnh phúc gia đình, bà Nguyễn Thị Soạn, một cựu giáo chức từng nhiều năm làm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên), tâm đắc: Cái gốc của hạnh phúc bền vững là văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Các thành viên trong nhà biết yêu thương, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Muốn được như thế, mỗi người cần có tinh thần học tập suốt đời. Không chỉ học văn hóa, mà còn học cách ứng xử cho phải đạo thì trên dưới mới thuận hòa.

Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Trung Lương (Định Hóa) chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần gìn giữ tổ ấm gia đình. Ảnh: T.L

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình".

Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tích cực triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, trong đó có phong trào Xây dựng gia đình văn hóa.

Phong trào phát triển sâu, rộng và chất lượng được nâng cao. Bình xét năm 2022 toàn tỉnh có hơn 309.000 hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa, bằng gần 94% tổng số hộ toàn tỉnh. Một con số ấn tượng thể hiện việc tham gia xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh là nhu cầu thực của người dân.

Chia sẻ với chúng tôi về nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc, ông Nguyễn Văn Đường, tổ 3, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), cho biết: Các thành viên trong gia đình tôi (2 vợ chồng, 2 con) từng trải qua những tháng ngày lo cơm ăn từng bữa. Trong khó khăn chúng tôi đã luôn biết động viên nhau cùng tạo lập kinh tế gia đình ổn định…

Bà Dương Thị Hạnh, vợ ông Đường, kể: Ngày vợ chồng mới lấy nhau, khó khăn lắm, song chúng tôi luôn lo lắng cho nhau. Gian khó, nhưng “thuận vợ, thuận chồng” nên làm việc gì cũng có hiệu quả.

Ở tỉnh Thái Nguyên, từ một hộ nghèo trở thành tỷ phú như vợ chồng ông Đường không phải là hiếm. Họ thành công trong phát triển kinh tế gia đình bởi cuộc sống vợ chồng hòa thuận; các thành viên trong gia đình biết tôn trọng lẫn nhau, biết hỗ trợ nhau vượt qua tự ti và chăm chỉ lao động làm ra của cải vật chất.

Vợ chồng ông Triệu Văn Hoan - Phạm Thị Viền, xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường (Định Hóa), cũng không ngoại lệ. Ông Hoan nói vui: 4 người trong gia đình tôi đều bận rộn. 2 con trai đều đã có cuộc sống riêng. Nhà còn 2 vợ chồng tối ngày chăm lo cho trang trại gà, lợn nên không có thời gian… để cãi nhau.

Kinh tế ổn định, mọi người sống hòa thuận, những hạnh phúc bình dị giữa đời thường được tạo lập từ chính người trong cuộc. Hết sức giản đơn, bởi mỗi thành viên trong gia đình biết yêu thương, sẻ chia, sống tự trọng, bình đẳng và biết hướng tới sự tiến bộ.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202308/xay-dung-gia-dinh-no-am-tien-bo-hanh-phuc-a422095/