WHO hối thúc các nước tăng cường biện pháp giúp giảm sử dụng thuốc lá
Ngày 31/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết chỉ có 4 quốc gia là Brazil, Mauritius, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua toàn bộ các biện pháp chống thuốc lá, vốn được khuyến nghị trong cuộc chiến chống khói thuốc nguy hiểm này.
Trong báo cáo, WHO đã hối thúc các nước mở rộng quy mô áp dụng các biện pháp giúp giảm sử dụng thuốc lá, bao gồm cấm quảng cáo, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, tăng thuế thuốc lá và hỗ trợ những người muốn bỏ thuốc lá. Cùng với Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, Mauritius và Hà Lan là hai quốc gia mới nhất áp dụng tất cả các biện pháp được khuyến nghị.
WHO ước tính có 5,6 tỷ người, tương đương 71% dân số thế giới, đang được bảo vệ bởi ít nhất một biện pháp kiểm soát thuốc lá, gấp 5 lần so với năm 2007. Tỷ lệ hút thuốc trên toàn cầu đã giảm từ 22,8% trong năm 2007 xuống còn 17% trong năm 2021. Nếu không nhờ có xu hướng này, thế giới hiện đã có thêm 300 triệu người hút thuốc. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định dần dần sẽ ngày càng có nhiều người được bảo vệ khỏi tác hại của thuốc lá. Tổ chức này sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia trong việc bảo vệ người dân khỏi mối nguy hại này.
Thuốc lá vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các ca tử vong có thể ngăn ngừa được, khi cướp đi sinh mạng của 8,7 triệu người/năm, bao gồm 1,3 triệu người tử vong do hít phải khói thuốc thụ động. Theo WHO, hiện có 8 quốc gia chỉ còn thiếu 1 chính sách để gia nhập nhóm đi đầu trong công tác kiểm soát thuốc lá gồm Ethiopia, Iran, Ireland, Jordan, Madagascar, Mexico, New Zealand và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, vẫn có 2,3 tỷ người tại 44 quốc gia chưa được bảo vệ bởi bất kỳ biện pháp chống thuốc lá nào của WHO. Giám đốc thúc đẩy y tế của WHO, ông Ruediger Krech cho rằng việc 53 quốc gia vẫn chưa có lệnh cấm thuốc lá hoàn toàn tại các cơ sở y tế là điều không thể chấp nhận được.
Báo cáo của WHO cũng chỉ ra rằng hiện có rất ít quy định về thuốc lá điện tử. Trên toàn cầu, có 121 quốc gia đã thông qua một số biện pháp liên quan đến thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, 74 quốc gia (chiếm gần 1/3 dân số thế giới) không áp dụng quy định liên quan đến các sản phẩm này như không cấm sử dụng nơi công cộng, không yêu cầu dán nhãn cảnh báo và không cấm quảng cáo. Báo cáo cũng lưu ý rằng rất ít quốc gia áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, khi có tới 88 quốc gia (với tổng dân số 2,3 tỷ người) không quy định độ tuổi tối thiểu khi mua thuốc lá điện tử.
Ông Krech cảnh báo một số công ty đang tìm cách tăng lượng khách hàng trẻ tuổi mua thuốc lá điện tử. Theo ông, mặc dù sản xuất thuốc lá ngành có nhiều nguồn lực với lợi nhuận và sức ảnh hưởng ngày càng tăng, song thế giới vẫn có các biện pháp để ngăn chặn xu hướng này.