Vượt khó về đích
Hai năm kể từ ngày Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công, dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã rõ dần hình hài; trên công trường, hơn 4.000 nhân sự, 1.750 máy móc thiết bị đang nỗ lực thi công ngày đêm để đưa dự án về đích trong năm 2025.
Nỗ lực vượt khó…
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là dự án lớn nhất trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 với chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.400 tỷ đồng. Liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu được giao trọng trách thực hiện thi công.
Trên tuyến có 64 cầu chính, 6 nút giao liên thông, 13 cầu vượt trực thông; đặc biệt, tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có 3 hầm xuyên núi với chiều dài lần lượt là 610m, 700m và 3.200m. Trong đó, hầm số 3 là hạng mục hầm lớn nhất được xây mới trên cao tốc Bắc - Nam, và lớn thứ 3 cả nước sau hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả.
Những ngày đầu triển khai, dự án đối mặt nhiều thách thức như giải phóng mặt bằng chậm, thiếu hụt vật liệu, thời tiết bất lợi, cùng với nhiều vướng mắc về thủ tục và quy định.
Để máy móc không phải “nằm chờ” mặt bằng, ngay sau lễ khởi công, Tập đoàn Đèo Cả cùng các nhà thầu trong liên danh “xắn tay áo” vào việc, xây dựng văn phòng điều hành, nơi ăn ở sinh hoạt cho người lao động,… Tại một số vị trí đường găng tiến độ như cầu sông Vệ, hầm 1, hầm 2, hầm 3…, nhà thầu đã chủ động thuê đất của người dân để làm đường công vụ tiếp cận công trường, triển khai thi công. Đồng thời, đầu tư các trạm nghiền trên cơ sở tận dụng đá đào hầm để làm vật liệu phục vụ thi công dự án.
Để quản lý, quản trị điều hành hiệu quả, tối ưu chi phí, kiểm soát tiến độ và chất lượng của dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Tập đoàn Đèo Cả đã đúc rút kinh nghiệm từ thực tế ở những dự án khó, phức tạp mà đơn vị đã triển khai thành công như hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lâm - Vĩnh Hảo… Trước khi bắt tay vào việc triển khai Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Tập đoàn Đèo Cả đều có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn lực máy móc thiết bị, con người, tài chính… đặc biệt là cách điều phối, phối hợp với các nhà thầu khác trong liên danh và các cơ quan, ban, ngành, địa phương.
Xác định vai trò là đơn vị đứng đầu liên danh, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động tổ chức đánh giá năng lực thực chiến của các nhà thầu, đưa ra các công cụ quản trị điều hành và tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ số, công bố thông tin, tiến độ triển khai các gói thầu, tổ chức giám sát cộng đồng để cùng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của các bên
Với tinh thần "khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết" và "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án 2 đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt, xử lý theo thẩm quyền, tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chỉ đạo đến các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp cung cấp đủ vật liệu cho các dự án, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá.
Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua đã thúc đẩy giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ vật liệu, hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh về an ninh trật tự trong quá trình thi công. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nơi dự án đi qua đồng thuận, ủng hộ… để các nhà thầu triển khai thi công bảo đảm tiến độ.
… để hoàn thành dự án trong năm 2025
Tại dự án này, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp đào hầm “hệ Đèo Cả”, tăng số lượng mũi thi công từ 4 lên 6 mũi, tăng hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí và tăng an toàn chịu lực của kết cấu hầm, khắc phục được thiết kế với hình dạng chưa được tối ưu về mặt chịu lực. Phương pháp này đã giúp công tác thi công hầm 1 và hầm 2 vượt tiến độ lần lượt là 2 tháng và 4 tháng. Bên cạnh đó là giải pháp tuần hoàn nước trong thi công hầm, giúp tiết kiệm 90% lượng nước tiêu thụ.
Sau 2 năm triển khai thi công, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã rõ hình hài, đến nay sản lượng thực hiện đạt gần 55% tổng khối lượng, 2 trong số 3 hầm xuyên núi trên tuyến đã cơ bản hoàn thành, hầm số 3 - đường găng của dự án cũng đạt mốc 4.500/6.400m.
Về phần cầu, có 47/77 cầu đã triển khai lắp dầm, 33/77 cầu đã triển khai thi công bản mặt cầu. Riêng cầu sông Vệ dài 600m - hạng mục cầu lớn nhất trên tuyến đã hoàn thành lao lắp dầm bản mặt cầu. Về phần đường, đã cơ bản hoàn thành đắp nền đường tuyến chính, một số đoạn đang tiến hành thảm bê tông nhựa. Để đạt được kết quả này, toàn dự án đã huy động hơn 4.000 nhân sự, hơn 1.750 máy móc thiết bị đến công trường, triển khai 50 mũi thi công. Cả 3 gói thầu (XL1, XL2, XL3) đều tổ chức thi công 3 ca, riêng các hạng mục hầm nhà thầu thực hiện thi công liên tục 24/24h, các kỹ sư, công nhân thay ca nhau làm việc tại công trường liên tục không ngừng nghỉ.
Hưởng ứng chiến dịch 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 do Thủ tướng phát động và nêu cao tinh thần trách nhiệm, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", liên danh nhà thầu quyết tâm hoàn thành dự án sớm trước 8 tháng. Theo đó, đến 30.6.2025 sẽ hoàn thành gói thầu XL1; ngày 31.8.2025 hoàn thành gói thầu XL2; thông hầm số 3 ngày 30.4.2025 tiến tới hoàn thành toàn dự án trong tháng 12.2025.Với năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm của các nhà thầu, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương cùng sự ủng hộ của người dân, dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn sẽ về đích đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/vuot-kho-ve-dich-post400425.html