Vụ Việt Á: 2 cựu Bộ trưởng mong nhận được sự khoan hồng

Nói lời sau cùng, 2 cựu Bộ trưởng là Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh đều mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Tối 9.1, 38 bị cáo trong vụ án Việt Á được nói lời sau cùng, trước khi HĐXX vào nghị án. Tòa sẽ tuyên án vào chiều 12.1.

Nói lời sau cùng, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ sự ân hận, đau khổ với vi phạm của bản thân. Theo ông Long, hơn 30 năm học tập, rèn luyện giữ gìn, giờ đây bị cáo thấy có lỗi với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên ngành y tế, bị cáo xin thành thật xin lỗi tất cả mọi người.

Ông Long cho biết trong thời gian cam go, khó khăn nhất trong lịch sử ngành y, ông và đồng nghiệp đã luôn cố gắng làm hết sức mình để khống chế dịch. Giờ đây, bị cáo chỉ mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật, mong tòa cho hưởng mức án nhẹ nhất có thể để được về với gia đình trong những năm tháng cuối đời.

Bị cáo Nguyễn Thanh Long - Ảnh: N.A

Về phần mình, cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh nói lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, Nhân dân, Bộ KH-CN. Theo lời bị cáo Chu Ngọc Anh, với tư cách là người đứng đầu Bộ KH-CN, ông nhận thức sâu sắc hành vi của bản thân và mong HĐXX vận dụng tối đa các tình tiết khoan hồng cho bị cáo và các bị cáo thuộc cấp của mình tại Bộ KH-CN.

Nói lời sau cùng, Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) thừa nhận sai phạm và mong HĐXX có cơ chế để quy hết trách nhiệm cho mình thay vì các nhân viên công ty. Theo lời của Việt, họ chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi ích. Ngoài ra, Việt cũng xin HĐXX xem xét bối cảnh đặc biệt của vụ án.

Các bị cáo còn lại đều nhận thức được hành vi sai phạm và mong tòa cho hưởng khoan hồng để sớm trở về với gia đình, xã hội.

Bị cáo Chu Ngọc Anh - Ảnh: N.A

“Đếm tiền mòn vân tay...”

Theo VKS, thiệt hại toàn bộ vụ án là 1.235 tỉ đồng, trong đó 402 tỉ đồng thiệt hại cho ngân sách nhà nước. CQĐT cũng đã phân công, ủy thác điều tra cho công an các tỉnh phối hợp điều tra sai phạm. Có 19 tỉnh xảy ra sai phạm nhưng trong vụ án này chỉ đề cập đến sai phạm của 4 tỉnh.

Đối đáp lại quan điểm của các luật sư khi cho rằng các bị cáo không có sự câu kết, thỏa thuận chi % hoa hồng, VKS khẳng định “các bị cáo có sự câu kết rõ ràng”.

Theo đó, VKS dẫn chứng nhiều tin nhắn giữa bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó thuộc Bộ KH-CN) và Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á), trong đó có lời khai “kit test của ông Hùng đấy” để nói lên công lao của Hùng với Việt Á.

VKS cũng nêu rõ nội dung “hai bị cáo còn nhắn với nhau rằng đi làm căn cước luôn đi, không mòn mất vân tay”. Quá trình thẩm vấn, VKS hỏi mòn vân tay là gì? Bị cáo Hùng trả lời “đếm tiền nhiều mòn vân tay”.

VKS tiến hành đối đáp - Ảnh: N.A

Với phần bào chữa từ luật sư của bị cáo Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN), đại diện VKS khẳng định liên quan đến số tiền mà bị cáo Tạc được Phan Quốc Việt đưa cho đã được đại diện VKS đã thẩm vấn rất kỹ.

Theo đại diện VKS, cả bị cáo Phan Quốc Việt và Phạm Công Tạc đều có nhiều lời khai về việc đưa và nhận tiền. Tuy nhiên CQĐT sử dụng lời khai của bị cáo Việt sau khi khớp với các dữ liệu điện tử khác.

Đối với đề nghị của các luật sư và nhiều bị cáo về một số tình tiết giảm nhẹ khác, VKS đề nghị HĐXX xem xét và áp dụng theo quy định.

Bị cáo Phan Quốc Việt - Ảnh: N.A

“Điều khác biệt” của cựu Giám đốc CDC Bình Dương

Trước đó, trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Thành Công (người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương) cho hay CDC Bình Dương thực hiện việc mượn kit xét nghiệm, vật tư để sử dụng là thực hiện theo chủ trương của Sở Y tế tỉnh. Bị cáo Danh hay CDC Bình Dương không hề tự ý hay đề xuất chủ trương mượn hàng này.

Luật sư cho rằng hành vi hợp thức hồ sơ thầu để thanh toán hàng đã mượn cho Công ty Việt Á, Công ty VNDAT là sai phạm. Song thời điểm đó, các bị cáo không thể nào biết được giá kit xét nghiệm của Việt Á đưa ra đã được nâng lên.

Luật sư cũng cho rằng thân chủ của mình không chỉ đạo nhân viên cấp dưới liên hệ, phối hợp với Công ty Việt Á, Công ty VNDAT thông đồng, cung cấp hồ sơ kỹ thuật, báo giá cho đơn vị thẩm định giá để ban hành chứng thư thẩm định với giá do Công ty Việt Á đề nghị. Việc cáo buộc bị cáo Danh thông đồng là quá nặng nề.

Bị cáo Nguyễn Thành Danh - Ảnh: N.A

Đặc biệt, theo luật sư, khi được phía Công ty Việt Á đặt vấn đề tặng quà cảm ơn, bị cáo Danh đã quyết liệt từ chối không chỉ một mà nhiều lần. “Đây là điểm khiến bị cáo Danh rất khác biệt trong vụ án này nên rất mong HĐXX xem xét và đánh giá tình tiết đặc biệt này”, luật sư cho hay.

Do đó, luật sư tiếp tục đề nghị HĐXX xem xét, cân nhắc thấu đáo giữa công và tội, giữa lý và tình để từ đó cho bị cáo Danh được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt là miễn trách nhiệm hình sự.

Trong phận luận tội và đề nghị mức án trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Thành Danh mức án 11 tháng 4 ngày (bằng thời gian tạm giam) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nhã Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vu-viet-a-2-cuu-bo-truong-mong-nhan-duoc-su-khoan-hong-212932.html