Vỡ kế hoạch giảm cân vì liên tục 'nhậu cùng World Cup'
Liên tục thức đêm, ăn món nhậu, uống rượu, bia trong suốt thời gian World Cup diễn ra mang đến nguy cơ tăng cân mất kiểm soát.
Ngồi xuống bàn nhậu trước khi xem World Cup, Hoàng Đức Lương (26 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội), nở nụ cười có phần gượng gạo.
“Nói thật là tôi đang ăn kiêng. Tính giảm cân trước Tết mà quên khuấy mất năm nay còn World Cup”, Lương nói nhỏ.
Đây đã là bữa nhậu thứ 3 trong tuần này của Lương cùng nhóm bạn của mình. Nam thanh niên này thừa nhận dù quyết tâm giảm cân là thật, anh vẫn không cưỡng lại được sức hấp dẫn của giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh cùng không khí cuồng nhiệt của nó.
Cám dỗ từ World Cup và hậu quả
Lên kế hoạch giảm cân trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, Lương đã đăng ký thẻ tập gym và sẵn sàng cho 3 tháng cuối năm ăn uống kỷ luật hơn.
Một tháng trôi qua, nam thanh niên này cho biết đã giảm thành công gần 3 kg. Mỗi tuần, Lương đến phòng tập đều đặn 4 buổi với 3 ngày tập tạ cùng một buổi cardio (tập luyện tim mạch như chạy bộ, đạp xe…).
Song song với đó, Lương cũng tự xây dựng một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt với tổng năng lượng chỉ 1.500 calo/ngày, tập trung vào các thực phẩm tươi sống, cân bằng các chất gồm tinh bột, đậm và chất béo tốt.
Tuy nhiên, thành quả này gần như đã bị “đạp đổ” chỉ sau gần 3 tuần từ ngày World Cup 2022 khởi tranh.
Ở thời điểm các đội còn thi đấu vòng bảng, kế hoạch của Lương vẫn chưa bị ảnh hưởng quá nhiều khi nam thanh niên này kiên quyết từ chối các cuộc nhậu. Anh tranh thủ xem các trận đấu hay khi đi tập, tan làm.
Tuy nhiên, bước tới vòng đấu loại trực tiếp, Lương thừa nhận rất khó bỏ lỡ những trận đấu kịch tính. Đây cũng là lúc tần suất nam thanh niên xuất hiện trên bàn nhậu cùng bạn bè dày hơn.
“Lần cân gần nhất, tôi đã tăng tới hơn 2 kg. Khi đo máy Inbody (một thiết bị điện tử đo thể tích cơ thể), tỷ lệ mỡ của tôi cũng có dấu hiệu tăng”, Lương chia sẻ.
Theo Lương, sau mỗi cuộc nhậu, anh tự nhận thấy cơ thể mình trở nên nặng nề, cảm giác đầy bụng, khô miệng kéo dài cả buổi sáng của ngày tiếp theo. Dù vậy, niềm vui của bữa ăn trong trận đấu đêm trước là không thể phủ nhận.
“Thôi thì đành đánh đổi vậy. Lúc vui thì ai vui hộ”, Lương nói.
Tương tự Lương, anh Mai Anh Dũng (28 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đánh mất quyết tâm giảm cân của mình bởi World Cup. Tuy nhiên, vấn đề của anh Dũng lại nằm ở thể lực.
Người đàn ông này chia sẻ: “Việc uống rượu và thức đêm xem bóng đá khiến tôi ngủ khá muộn. Dù cố gắng ngủ bù vào sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi vẫn thấy khá mệt. Đã một tuần nay, tôi phải xin huấn luyện viên nghỉ tập”.
Trước đó, anh Dũng đã đăng ký gói tập cùng huấn luyện viên gym trị giá tới hơn 20 triệu đồng. Sau một năm làm việc vất vả, anh nghĩ đây là món quà cũng như nhiệm vụ cần thiết để duy trì sức khỏe.
“World Cup cũng sắp kết thúc. Sau trận chung kết, tôi chắc chắn sẽ nỗ lực tập luyện trở lại. Hy vọng vẫn kịp để gọn gàng hơn trước kỳ nghỉ Tết”, anh Dũng quả quyết.
Cân nhắc về lượng và cách uống rượu, bia
Một công trình khoa học nghiên cứu toàn diện để tìm ra ngưỡng an toàn đối với rượu được đăng tải trên tạp chí Lancet 2018 cho thấy ngưỡng an toàn khi sử dụng đồ uống là zero (không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe khi sử dụng rượu).
Điều này đồng nghĩa để bảo vệ sức khỏe, bạn không nên uống rượu bia. Một trong những tác hại dễ thấy nhất từ những sản phẩm này là việc tăng cân mất kiểm soát cùng hiện tượng “bụng bia” ở nam giới.
Thạc sĩ, bác sĩ dinh dưỡng DZoãn Thị Tường Vi giải thích: "Vòng bụng to ở nam giới chỉ xuất hiện khi năng lượng nạp vào vượt quá năng lượng tiêu hao đến từ các hoạt động thể lực".
Theo bác sĩ Tường Vi, trong những cuộc nhậu, nam giới thường uống nhiều. Ngoài ra, tác dụng kích thích tiêu hóa của cồn khiến họ có cảm giác ngon miệng và ăn nhiều hơn.
Hầu hết đồ ăn trong các buổi nhậu đều chứa nhiều chất béo, năng lượng lớn. Do đó, năng lượng cơ thể thu nạp vào tăng lên dẫn đến thừa cân.
Bên cạnh đó, rượu, bia đều là các chế phẩm từ cồn. Xét về dinh dưỡng, một g cồn tương ứng 7 calo. Vì vậy, cơ thể sẽ hấp thụ một lượng lớn năng lượng khi uống quá nhiều. Điều này lý giải nguyên nhân nhiều người không ăn, chỉ uống song vẫn béo phì.
Trước thực trạng đó, PGS.TS Cao Thị Thu Hương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khuyến cáo khi uống rượu, bia, người dân nên cân nhắc và uống đúng cách để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể:
Liều lượng: Bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau. Lượng cồn tiêu thụ được tính toán dựa trên nồng độ cồn của đồ uống và thể tích đồ uống. Cụ thể theo công thức tính sau:
Dung tích (ml) x nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi).
Một đơn vị rượu là 10 g cồn tương đương 3/4 lon bia 330 ml; 135 ml rượu vang; 30 ml rượu whisky. Nếu uống cần hạn chế: Đối với nam là ≤ 2 đơn vị cồn/ngày; nữ là ≤ 1 đơn vị cồn/ngày.
Uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian oxy hóa rượu, giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu.
Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả hoặc nước canh và đồ ăn, đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Chúng ta nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
Không nên uống rượu lúc đói: Uống rượu khi đói làm lượng cồn phối hợp với dịch vị tăng khả năng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét và chảy máu dạ dày.
Không nên uống rượu với đồ uống có ga (nước giải khát có ga, bia): Lượng ga tăng khả năng hấp thu rượu vào trong máu.
Không nên uống rượu với caffeine: Rượu là một chất ức chế/trầm cảm làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ. Caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim và trong một số trường hợp, gây nhịp tim đập nhanh và nhịp tim không đều.
Caffeine cũng dẫn đến nhức đầu, bồn chồn, kích động, các vấn đề về dạ dày và hơi thở bất thường. Do đó, sử dụng caffeine để "tỉnh táo" khi uống rượu là một sai lầm nguy hiểm. Uống đồng thời rượu và caffeine không có sự trung hòa giữa chất ức chế và chất kích thích, ngược lại nó làm tăng nguy cơ tử vong do mắc hội chứng sốc độc tố (Oxic Jock Syndrome).