VN-Index tăng điểm dù hơn 200 mã giảm sàn

Thị trường không những 'xanh vỏ đỏ lòng' mà còn diễn biến tiêu cực hơn khi có 219 mã giảm kịch sàn, thậm chí giảm trong trạng thái mất thanh khoản.

Báo cáo lạm phát tháng 10 của Mỹ đã khiến thị trường tài chính toàn cầu dậy sóng. Chứng khoán Mỹ đêm qua tăng vọt, trong khi các chỉ số chứng khoán châu Á cũng có mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3.

Những thông tin tích cực từ thị trường quốc tế cũng phản ánh vào chứng khoán Việt Nam. VN-Index mở cửa phiên trong sắc xanh với lực mua áp đảo, đồng thời duy trì được trạng thái trên mức tham chiếu dù có nhiều thời điểm lung lay.

Chỉ số đại diện sàn HoSE kết phiên tăng 7,29 điểm (0,77%) lên 954,53 điểm. Trong khi sàn niêm yết HNX vẫn giảm giảm 2,58 điểm (-1,34%) về 189,91 điểm. UPCoM-Index giảm 0,26% về 68,62 điểm.

 Diễn biến VN-Index trong phiên 11/11. Đồ thị: TradingView.

Diễn biến VN-Index trong phiên 11/11. Đồ thị: TradingView.

Tuy nhiên, tâm lý hỗ trợ từ thị trường quốc tế cũng chỉ phản ánh phân hóa vào một số nhóm ngành và một số cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi đó nhiều mã bất động sản và nhóm vốn hóa vừa, vốn hóa nhỏ vẫn bị bán tháo quyết liệt.

Cổ đông ngân hàng lại hưởng trọn niềm vui khi hàng loạt mã kết phiên trong sắc xanh. Đầu tàu là VCB của Vietcombank bứt phá 3,7% lên 75.500 đồng và BID cũng tăng 3,7% lên 36.000 đồng, ACB đi lên 4% hay NVB có thêm 6,1% giá trị.

Cổ phiếu bán lẻ với đại diện MSN của Masan lên sát giá trần khi tăng giá 6,8%, MWG của Thế giới di động tăng 1,5%. Ngoài ra còn có đóng góp của VIC đi lên 2,5% hay SAB tăng 1,8%.

 Top cổ phiếu có tác động lớn nhất. Nguồn: FireAnt.

Top cổ phiếu có tác động lớn nhất. Nguồn: FireAnt.

Ở chiều ngược lại thì cổ đông nhóm bất động sản vẫn cảm thấy "khó thở" bởi chuỗi bán tháo chưa dừng lại. NVL của Novaland và PDR của Phát Đạt vẫn bị mất thanh khoản khi có hơn 60 triệu cổ phiếu thường trực chất bán giá sàn.

Ngoài ra, nhóm này còn ghi nhận sắc thái tiêu cực của hàng loạt mã khác ở trạng thái giảm sàn như DIG, DXG, LDG, HQC, QCG hay nhóm xây dựng không khá khẩm hơn với sắc xanh lơ tại CTD, HBC, FCN, VCG...

Áp lực bán giải chấp có xu hướng lan rộng đang khiến thị trường xuất hiện nhiều mã giảm sàn dù xu hướng chung không quá tệ. Đơn cử nhóm chăn nuôi có HAG, DBC, BAF hay khu công nghiệp có IDC, VGC.

Ngành thép ghi nhận HSG và NKG vẫn giảm sàn, hóa chất có DGC và CSV, thủy sản là ANV, IDI và HVG, bán lẻ là DGW và PET, năng lượng có ASM, BCG, TTA, PVC, PVD, PVX, PC1...

Trạng thái thị trường phân cực rất rõ nét dù chỉ số vẫn tăng điểm. Toàn sàn có 574 mã giảm giá (đáng chú ý trong số này có đến 219 mã giảm kịch sàn) và ngược lại chỉ có 406 mã tăng giá. Đồng nghĩa là cứ 5 mã có giao dịch sẽ xuất hiện 1 mã giảm sàn, chưa kể đến các mã khác giảm về sát giá sàn.

Điểm nhấn của thị trường còn phải kể đến lực hỗ trợ từ khối ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ mua mạnh 3.277 tỷ và chỉ bán ra 798 tỷ đồng trên HoSE, tương đương mua ròng đến 2.479 tỷ đồng.

Lực mua ròng bất ngờ của khối ngoại ở mã STB với hơn 400 tỷ đồng, mã KDH của Khang Điền là 389 tỷ đồng hay HPG của Hòa Phát có giá trị 224 tỷ đồng. Ngoài ra còn có VHM của Vinhomes, CTG của VietinBank và SSI đều được mua ròng lớn hơn trăm tỷ đồng.

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vn-index-tang-diem-du-hon-200-ma-giam-san-post1374225.html