VN-Index kết tuần giảm nhẹ, cổ phiếu Hòa Phát giao dịch đột biến

Thị trường giằng co quanh mốc tham chiếu trong phiên chiều nay 22/11 và kết phiên trong sắc đỏ. Trong khi đó, cổ phiếu Hòa Phát giao dịch khá đột biến.

Cổ phiếu bất động sản tiếp tục tiêu cực

VN-Index mở cửa phiên chiều với áp lực bán dần gia tăng trở lại khiến chỉ số suy yếu và chuyển sang trạng thái giằng co quanh mốc tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm nhẹ 0,23 điểm (-0,02%), về mức 1.228 điểm. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 453 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 10,5 nghìn tỷ đồng; Thanh khoản toàn thị trường đạt 14,2 nghìn tỷ đồng.

Về mức độ ảnh hưởng, VHM, GVR, VPB và STB là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 2,4 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, GAS, TCB, HVN và BID là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất góp hơn 2 điểm vào chỉ số chung.

Nhóm bất động sản tiếp tục lùi sâu hơn do áp lực bán gia tăng. Bên cạnh gánh nặng VHM, các mã nóng vừa qua cũng đồng loạt nới rộng biên độ giảm, như DXG giảm 2,6% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 21,13 triệu đơn vị, NVL giảm 2,2%, TCH giảm 1,6%, PDR giảm 1,4%, DIG giảm 1,2%...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chìm trong sắc đỏ với mức giảm chỉ trên dưới 1%. Trong đó, VIX và SSI là 2 mã có thanh khoản tốt nhất ngành, đạt trên dưới 13 triệu đơn vị, kết phiên tương ứng giảm 1,5% và 1%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đi ngang nhờ các mã VCB, BID nhích nhẹ, TCB tăng 1,3%, ngoài ra có ACB và LPB cùng tăng hơn 0,4%; trái lại các cổ phiếu như STB, VPB, TPB, HDB, MSB, VIB, EIB đều giảm nhưng biên độ chủ yếu chưa tới 1%.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thép, phân bón hóa chất, hay cả họ Viettel vẫn giữ được sắc xanh nhưng mức tăng đã thu hẹp hơn so với phiên sáng.

Giao dịch khối ngoại cân bằng khi họ mua ròng với giá trị 31 tỷ đồng trên toàn thị trường, dứt chuỗi 30 phiên bán ròng liên tiếp. Tại chiều mua, cổ phiếu HDG được khối ngoại mua mạnh nhất trên HOSE với giá trị hơn 242 tỷ đồng. Theo sau, TCB và FPT là hai mã tiếp theo được gom 106 và 60 tỷ đồng. Ngoài ra, CTG và MWG cũng được mua lần lượt 52 và 43 tỷ đồng. Ngược lại, SSI và VCB chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với gần 106 và 82 tỷ đồng. Theo sau, HPG và VPB cũng bị "xả" 58 tỷ đồng và 47 tỷ đồng.

Cổ phiếu Hòa Phát của đại gia Trần Đình Long gây chú ý

Cổ phiếu HPG gây chú ý với diễn biến tăng 0,97% lên 26.100 đồng/cp. Đây cũng là một trong những mã có tác động tích cực nhất lên VN-Index. Khớp lệnh tại HPG đạt 17,2 triệu đơn vị, đứng thứ 3 thị trường. Tuy nhiên đây là cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất thị trường.

HPG tăng giá với thanh khoản cao nhất thị trường sau khi Giám đốc tài chính của Hòa Phát chia sẻ về kế hoạch sản xuất thép ray cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại một sự kiện diễn ra chiều 21/11. Vị đại diện Hòa Phát khẳng định tập đoàn này đủ năng lực cung ứng thép cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Cụ thể, theo vị này, tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2, Hòa Phát đã sản xuất được thép chất lượng cao vượt tiêu chuẩn cần thiết cho dự án đường sắt tốc độ cao.

Chia sẻ trong webinar “Ngành thép và sức khỏe của Hòa Phát", bà Phạm Thị Kim Oanh - Giám đốc Tài chính (CFO) Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), tiết lộ dự án trọng điểm Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 sẽ cho ra một phần nhỏ sản phẩm thương mại từ cuối 2024 và bắt đầu đóng góp đáng kể từ 2025.

"Mất 4 năm mới có thể đạt công suất 5,6 triệu tấn, do đó sản lượng tiêu thụ sẽ tăng dần dần theo thị trường, nằm trong áp lực bán hàng"- bà Oanh giải đáp các lo ngại về khả năng tiêu thụ.

CFO Hòa Phát dẫn chứng với dự án Dung Quất 1, toàn bộ sản lượng tạo ra trong năm 2022 chỉ bán ở thị trường nội địa mà không xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đến năm 2023 mới xuất khẩu 1,2 triệu tấn HRC.

Theo dự phóng, lò cao số 1 của Dung Quất 2 dự kiến hoạt động 50-60% công suất trong năm đầu tiên 2025 (tức chỉ khoảng 1,5 triệu tấn HRC), năm 2026 đạt tỷ lệ 80% và dự kiến hoạt động hết công suất trong giai đoạn 2027-2028.

"Xuất khẩu chiếm tỷ trọng 30% doanh thu Hòa Phát, nên khi Dung Quất 2 đạt full công suất thì vẫn duy trì xuất khẩu 30%" - bà Oanh chia sẻ.

Sản lượng còn lại sẽ được tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong đó, bản thân nội bộ Hòa Phát cũng sẽ phát triển hệ sinh thái bao gồm tăng năng lực các nhà máy ống tôn, thép container, điện máy…

Hương Trang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vn-index-ket-tuan-giam-nhe-co-phieu-hoa-phat-giao-dich-dot-bien.html