Virus Marburg nguy hiểm như thế nào?

Virus Marburg có thể lây nhiễm từ động vật sang người, từ người sang người với tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 88%.

Ngày 23/3, liên quan đến virus Marburg vừa được thế giới cảnh báo, TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho biết đây là một loại RNA virus thuộc họ Filovirus, gây bệnh sốt xuất huyết tương tự như Ebola.

Virus Marburg lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia).

Loại virus Marburg có thể lây nhiễm từ động vật sang người do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của động vật nhiễm bệnh, trong đó có loại dơi ăn quả...

Loại virus Marburg có thể lây nhiễm từ động vật sang người do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của động vật nhiễm bệnh, trong đó có loại dơi ăn quả...

Từ 7/1 đến 21/2, thế giới đã ghi nhận 9 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Marburg tại Guinea Xích Đạo (Tây Phi), trong đó có 1 ca xác nhận bằng xét nghiệm. Tất cả các ca nhiễm đều tử vong.

Theo TS.BS Phùng Mạnh Thắng, virus Marburg có thể lây nhiễm từ động vật sang người do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của động vật nhiễm bệnh.

Ngoài ra, virus này cũng lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh hoặc các bề mặt nhiễm mầm bệnh.

Thời gian ủ bệnh dao động từ 2 đến 21 ngày, bắt đầu với sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ. Khoảng ngày thứ năm sau khi khởi bệnh, có thể xuất hiện ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng), buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy có thể xuất hiện.

Các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng và có thể bao gồm vàng da, viêm tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan. Chẩn đoán lâm sàng gặp khó khăn do bệnh này có triệu chứng tương tự như các bệnh truyền nhiễm khác (sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết do Ebola,…Bệnh có tỉ lệ tử vong cao (con số ghi nhận được trong các đợt bùng phát trước đây là 24% đến 88%).

TS.BS Phùng Mạnh Thắng khuyến cáo các bệnh viện cần có biện pháp phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua khai thác tiền sử dịch tễ và triệu chứng lâm sàng.

Theo quy trình tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Marburg, họ sẽ được lập tức cách ly, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phòng ngừa lây truyền qua đường tiếp xúc và giọt bắn.

TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin cảnh báo.

TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin cảnh báo.

Quy trình sàng lọc, tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Marburg tại cơ sở y tế này như sau: Bệnh nhân tại phòng khám hoặc cấp cứu có các triệu chứng gợi ý mắc bệnh do virus Marburg như: Sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ, ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng), buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy... mà không lý giải được đầy đủ bệnh lý lâm sàng bằng một nguyên nhân khác.

Ngoài ra, bệnh nhân có các yếu tố dịch tễ trong vòng 3 tuần trước khi khởi phát triệu chứng. Người đi về từ Tây Phi hoặc có tiếp xúc với ca nghi ngờ/ca xác định mắc bệnh do virus Marburg mà không sử dụng phương tiện cá nhân phù hợp.

Trường hợp đủ các yếu tố trên sẽ được đưa vào buồng cách ly ngay tại Khoa Cấp cứu. Sau đó, đơn vị sẽ hội chẩn Khoa Bệnh nhiệt đới.

Nếu thuộc trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân sẽ được nhập Khoa Bệnh nhiệt đới. Với bệnh nhân không nghi ngờ, họ sẽ được nhập theo chuyên khoa tại bệnh viện để điều trị.

TS.BS Phùng Mạnh Thắng cho biết trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Marburg sau khi nhập khoa Cấp cứu được mang khẩu trang, vào phòng cách ly phòng riêng, hạn chế chuyển bệnh phòng, khi chuyển phải mang khẩu trang cho bệnh nhân. Sử dụng đầy đủ dụng cụ phòng hộ cá nhân khi thăm khám và chăm sóc, phòng lây qua tiếp xúc và giọt bắn. Sau đó, bệnh viện sẽ tổ chức hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa nhiễm và xét nghiệm chẩn đoán.

Nếu kết quả xác định mắc bệnh do virus Marburg, người bệnh điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, tiếp tục áp dụng quy trình cách ly nghiêm ngặt. Nếu không nhiễm Marburg, bệnh nhân được điều trị theo đúng chuyên khoa, không cần cách ly.

Cũng theo TS.BS Phùng Mạnh Thắng, hiện tại vẫn chưa có vaccine để dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu virus Marburg. Đa phần người bệnh chỉ được hỗ trợ nâng đỡ, bù điện giải hoặc truyền máu khi bệnh nhân có tình trạng xuất huyết.

“Để phòng tránh virus này, người dân cần phát hiện sớm, tránh tiếp xúc với các loài động vật hoang dã có khả năng nguy cơ mang mầm bệnh, đặc biệt là dơi ăn quả, tránh ăn sống thịt động vật hoang dã. Khi tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh, người đi từ các nước Tây Phi về, nghi ngờ nhiễm virus cần đến cơ sở y tế sớm để khám và chẩn đoán”, TS.BS Phùng Mạnh Thắng khuyến cáo.

Phú Lữ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/virus-marburg-nguy-hiem-nhu-the-nao--i687520/