Cửa ngõ bước lên con đường thánh đạo

Nhận thức rõ được những cái khổ mà mình sẽ phải đối diện là cửa ngõ để một phàm phu bước lên con đường thánh đạo.

Đời sống hiện đại đem lại nhiều tiện nghi cùng các phương tiện hiện đại đã dễ dàng thỏa mãn, đáp ứng các nhu cầu dục vọng của con người. Mà theo quan điểm của Phật giáo, nguồn gốc của đau khổ chính là do chúng sinh bị trói buộc bởi các lậu hoặc - lậu hoặc ở đây cũng chính là những dục vọng, những ái nhiễm khiến con người bị chìm đăm trong đó, khiến họ không có ý thức được những cái khổ mà mình đang phải gánh chịu.

 Ảnh: Tina Lu.

Ảnh: Tina Lu.

Quan niệm sai lầm về người đi tu theo Phật

Thậm chí khi tiếp xúc đạo Phật, hầu hết họ đều cho rằng người đi tu theo Phật thường là chán đời, là bi quan, yếm thế bởi chỉ như thế mới có thể khiến người đó từ bỏ hết những thú vui trong cuộc sống, đặc biệt là trong thời đại vật chất lên ngôi khiến dục vọng chồng chất như hiện nay thì càng có nhiều người nghĩ về người tu theo đạo Phật hầu hết là như vậy.

Phàm phu mắt thịt thường có sự lầm lẫn này là vì họ chưa nhận thức rõ được những cái khổ mà mình sẽ phải đối diện như sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tăng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ.

Và cho dù họ có thấy được như vậy thì đa số đều xem nó như là một điều không thể tránh khỏi của một kiếp người, nên ít ai để ý tới việc đi tìm căn nguyên để giải thoát khỏi nó thay vào đó họ lại tìm tới những thú vui giải trí để quên lãng nó, và nhất là những ai cho rằng chết là hết thì họ lại càng cố gắng tranh thủ hưởng thụ hết tất cả những dục lạc trên thế gian này, thậm chí bất chấp cả luân thường đạo lý để thỏa mãn những dục vọng của mình.

Cửa ngõ bước lên con đường thánh đạo

Chính vì thế việc nhận thức ra được vấn đề khổ đau này là cửa ngõ để một phàm phu bước lên con đường thánh đạo. Và việc nhận thức được bốn vấn đề về khổ đau này được gọi là Tứ thánh đế. Như trong kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc, đức Phật có thuyết:

Vị ấy như lý tác ý (1): "Đây là khổ", như lý tác ý: "Đây là khổ tập", như lý tác ý: "Đây là khổ diệt", như lý tác ý: "Đây là đường đưa đến khổ diệt".

(1) Như lý tác ý (Yoniso manasikàra) hay còn gọi là như lý khởi tư duy là một thuật ngữ Phật học dùng để nói về cách nhìn sự vật hay hiện tượng một cách đúng đắn theo quan niệm của đạo Phật.

Cái chữ "Đây" được dùng trong đoạn văn này sẽ được diễn giải khác nhau tùy vào trình độ hiểu biết của mỗi người, và tùy vào nền tảng tri thức của mỗi thời mà cách diễn giải sẽ có độ sâu cạn khác nhau. Tuy là khác nhau, nhưng phải làm sao sáng tỏ được Tứ thánh đế thì việc như lý tác ý mới có giá trị thiết thực cho bản thân và cho xã hội. Còn không thì cho dù có hay ho, có cao siêu tới đâu, có thâm sâu huyền bí tới mức nào thì cũng chỉ là những hý luận (2) mà thôi. Chẳng hạn như trong kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc có nói:

Với người không như lý tác ý thì một trong sáu tà kiến này khởi lên:

1. "Ta có tự ngã"

2. "Ta không có tự ngã"

3. "Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã"

4. "Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã"

5. "Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã"

6. "Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại"

(2) Là ngôn luận phi lý vô nghĩa hay nói chuyện vô bổ không đâu vào đâu.

Thường đối với những ai thắc mắc hay hỏi đức Phật về những vấn đề này thì Ngài hay im lặng, vì nó không liên quan tới việc giúp chúng ta giải thoát khỏi khổ đau, nên những vấn đề này chỉ có tính chất hý luận, không có giá trị thực tiễn. Nó chỉ thỏa mãn cái sự tò mò hơn thua, tranh luận đúng sai, chứ không thể giúp mình tiếp cận được chân lý, vì một khi còn có sự ngộ nhận về tự ngã, là còn có ngã chấp, thì có lý giải về điều gì cũng không thể giúp ta thấy được chân tướng sự thật.

Chỉ có hướng tới những thắc mắc nào mà giúp ta có thể giải quyết được những vấn đề hiện thực thì nó mới có giá trị thực tiễn, chẳng hạn như thấy được bản chất khổ đau của cuộc đời này là điều không ai có thể tránh khỏi, nhận ra được căn nguyên từ đâu mà có khổ, thấy được cái khổ này có thể diệt trừ và thấy được phương pháp hay con đường để đi tới diệt trừ được cái khổ đó. Giải quyết được bốn vấn đề này thì chân lý tự nhiên được phơi bày, nhưng để thấy rõ được bốn vấn đề này, trước hết chúng ta cần phải như lý tác ý thì mới có thể nhận diện được nó, rồi sau đó mới nói tới vấn đề giải quyết được nó.

Thích Hiền Thạnh/Thái Hà Books và NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://znews.vn/cua-ngo-buoc-len-con-duong-thanh-dao-post1479868.html