Việt Nam tiên phong ứng dụng hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro khí hậu trong ngành xây dựng

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong triển khai hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro khí hậu trực tuyến, nhằm đánh giá khả năng thích ứng và tăng cường sức chống chịu cho các công trình xây dựng.

Khả năng chống chịu của các công trình là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững. Thiên tai như bão, lũ, sạt lở đất, cháy rừng hay động đất không chỉ đe dọa đến sự an toàn mà còn có thể làm suy giảm giá trị tài sản, kéo theo chi phí bảo trì, bảo hiểm và phục hồi rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Mai - Cán bộ chương trình của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết IFC đang triển khai thí điểm Chỉ số Khả năng Chống chịu của Công trình (Building Resilience Index - BRI) tại 5 địa điểm thuộc Việt Nam.

Công cụ này không chỉ cung cấp hệ thống bản đồ rủi ro trực tuyến, mà còn đóng vai trò như một khuôn khổ đánh giá toàn diện khả năng thích ứng khí hậu của các tòa nhà.

Hệ thống bản đồ trực tuyến do IFC phát triển cung cấp dữ liệu chi tiết về bốn nhóm thiên tai chính tại Việt Nam, bao gồm: bão, ngập lụt, cháy và địa chấn (gồm động đất và sạt lở đất).

Một công trình được xem là có khả năng chống chịu nếu có thể đứng vững và duy trì vận hành sau các sự kiện khí hậu cực đoan. Trong điều kiện lý tưởng, công trình không những tránh được tổn thất vật chất lớn mà còn bảo đảm hoạt động liên tục, không gián đoạn.

Các công trình được lựa chọn thí điểm đặt tại năm địa phương đại diện cho các vùng rủi ro điển hình: Sa Pa, Quảng Nam, Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương. Mỗi khu vực đều đối mặt với các nguy cơ riêng như sạt lở đất ở vùng núi, bão và ngập lụt tại khu vực ven biển, hay sụt lún ở vùng đồng bằng.

Sau hai năm thực hiện thí điểm với hơn 60 tiêu chí đánh giá, kết quả cho thấy hơn một nửa số công trình không đạt yêu cầu về khả năng chống chịu. Chỉ hai trong số đó đạt mức trung bình. Kết quả này phản ánh rõ thách thức mà ngành xây dựng đang đối mặt khi ứng phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng.

Bà Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh rằng việc đưa yếu tố thích ứng khí hậu vào ngay từ khâu thiết kế và đầu tư là điều bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. Các sự kiện gần đây như bão Yagi, dư chấn tại Hà Nội và TP.HCM trong tháng 3, hay động đất ở Kon Tum vào tháng 4 là những phép thử thực tiễn về sức chống chịu của công trình hạ tầng Việt Nam.

Theo đại diện IFC, một công trình được xây dựng với tầm nhìn 50 năm phải đủ khả năng chống chịu với những cơn bão có chu kỳ hàng chục năm. Ngược lại, nếu thiết kế chỉ theo tầm nhìn ngắn hạn 10 năm, thì khi đối mặt với các hiện tượng khí hậu nghiêm trọng, thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Đầu tư vào khả năng thích ứng ngay từ đầu không chỉ bảo vệ tài sản mà còn mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt – mỗi 1 USD đầu tư vào khả năng chống chịu giúp tiết kiệm tới 4 USD chi phí khắc phục hậu quả trong tương lai.

Bên cạnh việc cung cấp dữ liệu rủi ro, hệ thống còn đưa ra các khuyến nghị cụ thể nhằm giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư và đơn vị thiết kế có giải pháp giảm thiểu rủi ro, bảo vệ toàn vẹn kết cấu công trình cũng như bảo đảm duy trì vận hành liên tục.

Mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều quy định và quy chuẩn kỹ thuật xây dựng như QCVN 02:2022 liên quan đến số liệu khí hậu trong thiết kế, đại diện IFC cho rằng các tiêu chuẩn hiện tại vẫn còn hạn chế trong việc đáp ứng các thách thức khí hậu ngày càng cực đoan. Do đó, chỉ số BRI có thể trở thành một tiêu chí quan trọng, tương tự các tiêu chuẩn công trình xanh, giúp các dự án tiếp cận hiệu quả hơn các nguồn tài chính khí hậu quốc tế.

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/viet-nam-tien-phong-ung-dung-he-thong-ban-do-canh-bao-rui-ro-khi-hau-trong-nganh-xay-dung-317925.html