Việt Nam – Hàn Quốc hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 150 tỷ USD vào năm 2030

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Ahn Dukgeun nhất trí hướng tới mục tiêu kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 150 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn vào năm 2030…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Ahn Dukgeun ký kết 3 văn kiện quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Ahn Dukgeun ký kết 3 văn kiện quan trọng.

Ngày 14/4/2025, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Dukgeun đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc và Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).

Tham dự các kỳ họp có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ. Về phía Hàn Quốc có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và một doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc trong lĩnh vực năng lượng.

THÚC ĐẨY HỢP TÁC THƯƠNG MẠI, CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG

Theo thông tin từ Bộ Công thương, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024 đạt khoảng 81,5 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2023.

Trong bối cảnh thương mại quốc tế nói chung, Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng đang chịu tác động mạnh do chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 2 nước, hai Bộ trưởng khẳng định việc tăng cường hợp tác về thương mại Việt Nam – Hàn Quốc là hết sức quan trọng.

Trong hợp tác thương mại, sau 2 năm triển khai các Nhóm công tác “Korea Plus tại Việt Nam” và “Viet Nam Plus tại Hàn Quốc” đã có nhiều kết quả tích cực được ghi nhận.

Từ tiền đề này, hai Bộ trưởng đã nhất trí: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hướng tới mục tiêu kim ngạch song phương 150 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn vào năm 2030; Đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong một số lĩnh vực như đối thoại về phân phối và logistics; Tổ chức các hội thảo giao thương, trao đổi các đoàn xúc tiến thương mại tham dự Hội chợ, Triển lãm lớn tại mỗi nước; Giải quyết vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dệt Hàn Quốc đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam;

Đồng thời đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ đa phương, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (ASEAN-Hàn Quốc, RCEP…) và các khuôn khổ kinh tế khác (APEC, IPEF…).

Trong lĩnh vực công nghiệp, hai Bộ trưởng nhất trí giao cấp kỹ thuật phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả dự án Trung tâm hợp tác công nghệ chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu Việt Nam - Hàn Quốc trên cơ sở Biên bản ghi nhớ được hai Bên ký kết vào tháng 6 năm 2023.

Hai Bên cũng đã thảo luận, thống nhất các hoạt động thúc đẩy: Hợp tác trong lĩnh vực nguyên vật liệu, linh kiện trung và dài hạn thông qua vận hành Trung tâm tư vấn công nghệ và giải pháp Việt Nam giai đoạn 2 (VITASK 2); Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung cũng như nhân lực ngành đóng tàu cho Việt Nam để kết nối các cơ hội nghề nghiệp trong bối cảnh Hàn Quốc đang thiếu hụt lao động trong ngành này; Tăng cường kết nối đầu tư và hợp tác, giải quyết các vướng mắc trong các ngành ô tô, thuốc lá, công nghiệp máy,....

Hàn Quốc cũng nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Phát triển công nghiệp.

Trong lĩnh vực năng lượng, nhiều nội dung hợp tác trong các lĩnh vực điện lực, dầu khí, năng lượng sạch, điện hạt nhân… cũng được hai Bộ trưởng thảo luận và thống nhất tại Kỳ họp.

Theo đó, Việt Nam hoan nghênh sự tham gia, mở rộng đầu tư của các công ty Hàn Quốc vào các dự án LNG, các dự án dầu khí,... trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả đầu tư và hài hòa lợi ích, tuân thủ quy định của pháp luật và bình đẳng với các nhà đầu tư khác.

Phía Việt Nam đánh giá cao tiến độ thử nghiệm công nghệ đồng đốt amoniac tại Hàn Quốc và đề nghị phía Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ với đối tác Việt Nam để nghiên cứu và triển khai công nghệ này tại Việt Nam.

KÝ KẾT CÁC VĂN KIỆN QUAN TRỌNG

Kỳ họp lần thứ 8 của Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc đã ghi nhận việc Hiệp định VKFTA được triển khai thuận lợi, hiệu quả trong 10 năm qua. Điều này đánh dấu sự phát triển đáng kể và ổn định của thương mại hàng hóa hai chiều bất chấp những bất ổn của kinh tế thế giới

Kỳ họp lần thứ 8 của Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.

Kỳ họp lần thứ 8 của Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.

Hiệp định VKFTA có vai trò quan trọng đối với việc mở rộng thương mại và đầu tư, góp phần hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 150 tỷ USD vào năm 2030.

Hai Bộ trưởng đã trao đổi và nhất trí về phương hướng triển khai các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực như hải quan và xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm định động thực vật, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại,... nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực thi và tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định VKFTA mang lại.

Kết thúc hai kỳ họp, hai Bộ trưởng đã cùng ký kết 3 văn kiện bao gồm: Biên bản kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc; Tuyên bố chung của Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc; Kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 150 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn.

Đồng thời, hai Bộ trưởng cũng đã chứng kiến lễ ký và trao 2 văn kiện, gồm: Biên bản ghi nhớ về điện hạt nhân giữa Cục Điện lực, Bộ Công Thương Việt Nam và Cục Chính sách công nghiệp hạt nhân, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc; Biên bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) và Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO).

Nguyệt Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-han-quoc-huong-toi-muc-tieu-kim-ngach-thuong-mai-song-phuong-150-ty-usd-vao-nam-2030.htm