Việt Nam đã có một phiên đối thoại UPR rất thành công

Chiều 10/5 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Nhóm làm việc về Cơ chế soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ngày 7/5/2024 - Ảnh: TTXVN

Báo cáo của Nhóm làm việc ghi nhận Báo cáo quốc gia của Việt Nam, nội dung phiên đối thoại ngày 7/5 và ghi nhận 320 khuyến nghị do 133 nước đưa ra.

Triển khai các khuyến nghị UPR bổ trợ cho việc bảo vệ quyền con người của Việt Nam

Các khuyến nghị đề cập đến nhiều lĩnh vực như hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người, thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương, hỗ trợ người dân tộc thiểu số, bảo đảm bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền giáo dục, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, quyền con người và doanh nghiệp, quyền con người và biến đổi khí hậu, tham gia một số công ước quốc tế về quyền con người, hợp tác với các cơ chế của Hội đồng Nhân quyền…

Phát biểu tại phiên thông qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định tầm quan trọng của cơ chế UPR, cho rằng việc triển khai các khuyến nghị UPR qua các chu kỳ bổ trợ cho những nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của Việt Nam.

Thứ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các khuyến nghị và thông báo lập trường của Việt Nam đối với những khuyến nghị này trước phiên họp 57 của Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các nước, các đối tác và các bên liên quan theo đúng phương châm của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025 là "Tôn trọng và Hiểu biết-Đối thoại và Hợp tác–Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người".

Được Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thành lập từ năm 2008 và tiến hành định kỳ 4,5 năm một lần, UPR là cơ chế liên chính phủ với nhiệm vụ rà soát tổng thể tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch và xây dựng.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành trong Tổ công tác về UPR sẽ rà soát, đánh giá và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về lập trường của Việt Nam đối với các khuyến nghị và thông báo trước Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 10/2024.

Tại khóa họp này, Hội đồng Nhân quyền sẽ chính thức thông qua Báo cáo về kết quả rà soát UPR đối với Việt Nam.

Phiên đối thoại về Báo cáo UPR của Việt Nam thu hút sự quan tâm cao

Trả lời phỏng vấn về Phiên đối thoại về Báo cáo UPR IV của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại ngoại Đỗ Hùng Việt cho biết, Việt Nam đã có một phiên đối thoại UPR rất thành công với sự tham gia của đông đảo các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Cũng là một sự trùng hợp rất ngẫu nhiên khi phiên đối thoại diễn ra đúng ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên 7/5, chính tại Geneva là nơi chứng kiến quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Geneva năm 1954.

Chính vì vậy, thông điệp đầu tiên đoàn Việt Nam mang tới hội nghị là khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết đối với với nỗ lực phát triển, thúc đẩy quyền con người.

Thông điệp lớn thứ hai chúng ta chia sẻ là trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, không có một mô hình đúng duy nhất. Mỗi quốc gia tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mình sẽ có thể lựa chọn con đường riêng. Chúng ta khẳng định tính đúng đắn của con đường Việt Nam đã lựa chọn và chúng ta sẽ kiên định đi trên con đường đó.

Thông điệp lớn thứ ba là với chủ trương nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đã rất nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR mà chúng ta đã chấp thuận của chu kỳ trước và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người và bảo đảm các quyền con người trên thực tế, mang lại những kết quả rất thiết thực cho người dân.

Thông điệp thứ tư là mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức trong đại dịch COVID-19 nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, đồng hành, đồng lòng của người dân, chúng ta đã vượt qua được khó khăn đó, đã bảo vệ được sức khỏe, cuộc sống của người dân, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Về các đánh giá và khuyến nghị Việt Nam nhận được từ phiên đối thoại, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhận định: Phiên đối thoại về Báo cáo UPR của Việt Nam thu hút sự quan tâm cao, với 133 nước đăng ký phát biểu và đưa ra 320 khuyến nghị cho Việt Nam. Qua rà soát sơ bộ, phần lớn các khuyến nghị Việt Nam nhận được lần này có nội dung tích cực, ta có thể chấp thuận. Có một số khuyến nghị ta cần cân nhắc thêm về tính phù hợp với luật pháp, chính sách, nguồn lực và khả năng thực thi.

Tổ công tác liên ngành về UPR sẽ nghiên cứu kỹ các khuyến nghị

Một số nước chúc mừng Việt Nam về ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhiều nước đánh giá cao phần trình bày, đối thoại của Việt Nam, ghi nhận chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận kể từ lần rà soát trước đến nay.

Các nội dung được nhiều nước hoan nghênh, đánh giá cao là việc ta hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người, nhất là xây dựng các chương trình quốc gia và đạt nhiều thành tựu về giảm nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện phúc lợi xã hội, bảo đảm quyền giáo dục, quyền các nhóm dễ bị tổn thương, thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người và hợp tác với các cơ chế nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Cũng có một vài nước bình luận, đưa ra các khuyến nghị chưa thật sự phù hợp, dựa trên các thông tin không chính xác về việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp… Chúng ta sẽ tiếp tục đối thoại, cung cấp thông tin để các nước hiểu rõ hơn về tình hình thực tế ở Việt Nam.

Qua các chu kỳ UPR, Việt Nam luôn được đánh giá tốt về nỗ lực triển khai nghiêm túc các khuyến nghị đã chấp thuận, nhất là thông qua việc xây dựng các kế hoạch quốc gia, các báo cáo giữa kỳ, quá trình tham vấn, lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Các nước cũng đánh giá tích cực tinh thần đối thoại chân thành, thẳng thắn và cởi mở của đoàn Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, sau phiên đối thoại, đoàn Việt Nam đã làm việc với 3 nước điều phối của Nhóm công tác về UPR để rà soát kỹ thuật các khuyến nghị Việt Nam nhận được tại phiên đối thoại. Tại phiên họp ngày 10/5, Nhóm công tác đã thông qua báo cáo về kết quả rà soát UPR đối với Việt Nam, trong đó thông tin về việc Việt Nam nhận được 320 khuyến nghị từ 133 nước.

Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành trong tổ công tác liên ngành về UPR sẽ nghiên cứu kỹ các khuyến nghị, rà soát sự phù hợp với pháp luật, chính sách của Việt Nam và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp nhận các khuyến nghị đáp ứng các ưu tiên, điều kiện và nguồn lực triển khai của Việt Nam.

Dự kiến, Việt Nam sẽ thông báo lập trường chính thức về các khuyến nghị, số lượng các khuyến nghị Việt Nam sẽ chấp thuận trước Khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 9-10 tới đây.

Sau đó, Bộ Ngoại giao cùng với các bộ, ngành, cơ quan liên quan sẽ phối hợp xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo cơ chế UPR chu kỳ IV. Kế hoạch sẽ xác định phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan và giúp theo dõi tiến độ thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận./.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/viet-nam-da-co-mot-phien-doi-thoai-upr-rat-thanh-cong-10224051108483074.htm