Việt Nam có nhiều cơ hội từ xu hướng phát triển xanh

Ngày 21-5, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo công bố 'Báo cáo Việt Nam 2045: Xu hướng kinh tế toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam'.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Hồng Sơn

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Hồng Sơn

Theo ông Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia tiếp tục gia tăng, tạo ra những vùng ảnh hưởng, “luật chơi” và liên kết mới; trọng tâm dồn vào các vấn đề biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, công nghệ cao để tạo ảnh hưởng với các đối tác.

Dự báo, đến năm 2050, thương mại thế giới sẽ tiếp tục bị chi phối bởi 4 khu vực trên thế giới gồm: Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương (hiện đang chiếm 78% nhập khẩu và GDP toàn cầu).

Cùng với đó, báo cáo nhấn mạnh xu hướng vốn FDI vào năng lượng tái tạo gia tăng trong những năm gần đây, vượt mức đầu tư mới vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.

Lĩnh vực thương mại hàng hóa xanh (thân thiện với môi trường) cũng được dự báo sẽ tăng trưởng trong những thập niên tới. Thị trường toàn cầu về ô tô điện, năng lượng mặt trời và gió, hydro và nhiều công nghệ xanh khác sẽ đạt 2.100 tỷ USD vào năm 2030, gấp 4 lần giá trị hiện nay.

Các xu hướng này sẽ giúp Việt Nam gia tăng thị phần xuất khẩu sang hai thị trường Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam có cơ hội tăng cường quan hệ với Trung Quốc do chuyển hướng thương mại của Trung Quốc từ Mỹ sang Việt Nam, Indonesia, Malaysia. Việt Nam cũng sẽ tận dụng Sáng kiến vành đai và con đường, với vai trò là trung gian kết nối, vận chuyển hàng hóa từ các nước ASEAN sang Trung Quốc.

Việt Nam cũng có khả năng thu hút mạnh đầu tư và hỗ trợ của Mỹ vào công nghiệp bán dẫn, nhờ vị trí chiến lược của Việt Nam và thành công của Việt Nam trong xuất khẩu hàng điện tử, bên cạnh tiềm năng về nguồn cung đất hiếm.

Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban quốc tế, Viện Chiến lược phát triển cho biết, các mô hình kinh tế mới như: Kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ chiếm vai trò lớn, định hình các nền kinh tế. Cùng với đó, các mô hình kinh tế mới này cần được hỗ trợ thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết; đầu tư và hiệu quả của doanh nghiệp; quan niệm của người tiêu dùng.

Đưa ra gợi ý chính sách, Viện Chiến lược phát triển khuyến nghị, cần tận dụng các cơ hội tích cực từ bên ngoài, hạn chế các rủi ro; xây dựng, phát triển thể chế kinh tế phù hợp với tình hình mới. Cần tạo nền tảng để thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia, phát triển nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nói trên…

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/viet-nam-co-nhieu-co-hoi-tu-xu-huong-phat-trien-xanh-666979.html