Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến lý giải việc đề xuất tăng số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến khẳng định chủ trương tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy là đúng, nhưng 'có chỗ giảm, có chỗ phải tăng'.
Chiều 19-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND.
Một trong những nội dung đáng chú ý, dự thảo đề xuất tăng số lượng Kiểm sát viên VKSND Tối cao tối đa từ 19 người thành 27 người để bảo đảm nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ công tố, kiểm sát xét xử đối với hoạt động của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Nêu ý kiến, ĐB Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) cho rằng việc điều chỉnh tăng số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao là hoàn toàn phù hợp. Theo ông, tới đây, TAND cấp cao, VKSND cấp cao sẽ chấm dứt hoạt động, toàn bộ khối lượng công việc sẽ được chuyển cho TAND Tối cao và VKSND Tối cao.

ĐB Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên)
TAND Tối cao được bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của tòa cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị. Do vậy, trong cơ cấu tổ chức của TAND Tối cao có các Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao
TAND Tối cao tổ chức HĐXX gồm các thẩm phán TAND Tối cao, thì phải có kiểm sát viên của VKSND Tối cao tham gia các phiên tòa và tham gia việc giải quyết đơn, theo ông Huấn.
Cùng với đó, kiểm sát viên VKSND Tối cao còn có nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các đơn đề nghị, các kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
“TAND Tối cao được tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao lên 27 thành viên thì VKSND Tối cao cũng phải tăng số lượng để đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ”- ông Huấn nói.
Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị có cân nhắc và có giải trình cụ thể về việc tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao cũng như tăng số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao.
“Tinh giản là chủ trương đúng. Quả thật trong lúc tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy lại đề xuất tăng thêm, nhưng có chỗ giảm, có chỗ phải tăng”- Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến nói cuối phiên thảo luận.

Ông Nguyễn Huy Tiến dẫn lại số liệu dự báo tới đây TAND Tối cao sẽ phải giải quyết khoảng 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm/năm; xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 1.000 vụ/năm. Theo ông, VKS muốn trả lời đơn sẽ phải nghiên cứu, xem xét xử lý hồ sơ vụ án, chức trách thuộc TAND Tối cao thì VKSND Tối cao phải trả lời. “Mô hình Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì không thể là kiểm sát viên cao cấp tham gia được”- ông Tiến nói.
“Nếu không giải quyết được thì Quốc hội lại phê bình chúng tôi là không hoàn thành nhiệm vụ. Mong đại biểu chia sẻ và ủng hộ”- Viện trưởng VKSND Tối cao nói thêm.
Trước đó, tại báo cáo thẩm tra Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng đề xuất tăng số lượng Kiểm sát viên VKSND Tối cao là vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ trương của Đảng, Kiểm sát viên VKSND Tối cao thuộc diện Ban Bí thư quản lý (hưởng phụ cấp chức vụ 1,25). Vì vậy, trước đây khi sửa Luật Tổ chức VKSND vào năm 2014 cũng phải báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền về số lượng Kiểm sát viên VKSND Tối cao.
Mặc dù Đề án của VKSND Tối cao trình Ban Chấp hành Trung ương có đề xuất nội dung nêu trên nhưng Nghị quyết 60-NQ/TW chưa kết luận cụ thể vấn đề này.
“Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện thủ tục xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo đúng quy định”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND đề xuất tăng số lượng Thẩm phán TAND Tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người để bảo đảm đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ TAND cấp cao chuyển về để đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.