Vì sao gần 500 con cá voi cùng mắc cạn ở Australia?
380 cá voi hoa tiêu trên tổng số gần 500 con mắc cạn ở phía Tây Tasmania (một đảo ở phía Nam Australia) đã chết. Đây được coi là một trong những thảm họa mắc cạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Hàng trăm con cá voi hoa tiêu (pilot whale) được phát hiện đã chết hoặc kiệt sức vì bị mắc cạn bên trong Cảng Macquarie hôm 21/9. Một ngày sau, 200 con cá voi khác được trực thăng phát hiện mắc kẹt cách đó khoảng 10km trong cùng một bến cảng.
Sau đó, các quan chức xác nhận tất cả số cá voi này đã chết. Đây có thể là một trong những vụ cá voi mắc cạn lớn nhất được ghi nhận trên toàn cầu và là vụ tồi tệ nhất trong lịch sử Australia.
Ông Nic Deka, điều phối viên của cuộc giải cứu, Giám đốc Cơ quan Động vật hoang dã và Công viên Tasmania cho biết, họ đang chiến đấu để cứu những con cá voi còn lại. Lực lượng cứu hộ đã cứu được 50 con cá voi và đang nỗ lực cứu 30 con khác bị mắc cạn nhưng vẫn còn sống.
Tuy nhiên, thủy triều mạnh đã gia tăng khó khăn cho các nỗ lực cứu hộ, do một số cá voi đã được cứu bị đẩy trở lại bờ. Giới chức Australia nói khoảng 108 con trong số 470 con cá voi hoa tiêu vây dài đã được giải cứu khỏi bãi cạn tại Cảng Macquaire.
Khi được hỏi tại sao không nhìn thấy nhóm 200 con cá voi trước khi chúng chết, ông Deka nói: “Có thể chúng bị mắc cạn và sau đó bị trôi trở lại vịnh. Nước có màu tanin rất sẫm. Từ trên không, không thể phát hiện ra chúng đang ở trong tình trạng cần được giải cứu”.
Năm 1996, người dân thị trấn Dunsborough, Tây Australia, từng phát hiện đến 320 con cá voi gặp nạn tương tự.
Vụ cá voi mắc cạn có số lượng lớn thứ 3 trong lịch sử Australia xảy ra vào năm 1935, với 294 con cá voi hoa tiêu được tìm thấy ở bờ biển Tây Bắc đảo Tasmania. Karen Stockin, Phó Giáo sư tại Đại học Massey ở New Zealand, nói với The Guardian rằng đây là sự kiện mắc cạn lớn nhất trên cả nước Australia từng có.
“Công bằng mà nói, vụ mắc cạn này có thể sẽ đứng thứ ba hoặc thứ tư trên toàn cầu”, cô nói. Tài liệu cho thấy, vụ mắc cạn lớn nhất trên thế giới xảy ra vào năm 1918, khi khoảng 1.000 con cá voi mắc cạn trên Quần đảo Chatham, khoảng 500 dặm (800 km) về phía Đông của New Zealand, theo Cục Bảo tồn New Zealand.
Các nhà khoa học không biết chính xác lý do tại sao các đàn cá voi khổng lồ lại mắc cạn cùng nhau, theo Live Science đưa tin trước đó. Theo Bộ Bảo tồn New Zealand, một giả thuyết cho rằng khả năng định vị bằng tiếng vang của cá voi phi công, hay việc sử dụng sóng âm để xác định vị trí vật thể, không hoạt động tốt ở vùng nước nông cạnh bờ biển dốc.
David Hocking, chuyên gia sinh vật biển thuộc lớp thú tại Đại học Monash (Melbourne), lưu ý cá voi hoa tiêu có tập tính xã hội đặc trưng là sự gắn kết gia đình rất khăng khít.
Chúng di chuyển thành bầy lớn, có khi lên đến 1.000 con. “Nếu một con trong bầy gặp nạn, nó sẽ phát ra tín hiệu cầu cứu. Thay vì bỏ chạy, những con còn lại tìm đến vì chúng cảm thấy càng đông càng an toàn.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa nếu chỉ một vài con gặp nạn thì những con khác cũng được gọi đến khu vực nguy hiểm”, ông nói.
Cá voi hoa tiêu vây dài có họ hàng gần với cá heo và dựa vào khả năng định vị bằng tiếng vang để tìm đường.