Vì sao chuyển đầu tư công, cao tốc Bắc - Nam giảm hơn 19.200 tỷ đồng?
Khi chuyển đổi sang đầu tư công, tổng mức đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam từ 118.716 tỷ đồng giảm xuống 99.493 tỷ đồng giảm 19.223 tỷ đồng.
Chính phủ vừa trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét chuyển đổi 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), gồm: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây sang hình thức đầu tư công, sử dụng 100% vốn ngân sách Nhà nước.
Đáng chú ý, trong tờ trình, Chính phủ nêu rõ khi chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ đảm bảo chắc chắn thành công trong quá trình triển khai dự án và kéo giảm tổng mức đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam từ 118.716 tỷ đồng (Nghị quyết 52/2017) xuống còn 99.493 tỷ đồng (giảm 19.223 tỷ đồng).
Lý giải vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP) cho biết, tổng mức đầu tư của các dự án cao tốc Bắc - Nam giảm sau khi chuyển từ hình thức PPP sang đầu tư công nguyên nhân chủ yếu do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, giảm chi phí dự phòng trượt giá,… so với bước nghiên cứu tiền khả thi. Cụ thể, cao tốc Mai Sơn - QL45 giảm từ 14.703 tỷ đồng xuống 12.343 tỷ đồng, QL45 - Nghi Sơn từ 7.769 tỷ đồng giảm xuống 6.084 tỷ đồng, Nghi Sơn - Diễn Châu giảm từ 8.648 tỷ đồng xuống 8.064 tỷ đồng,…
Theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần. Ngoài 3 dự án thực hiện đầu tư theo hình thức đầu tư công, 8 dự án còn lại triển khai theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư dự án là 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, còn lại 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.