Vẫn còn tình trạng tàu cá, ngư dân cố tình xâm phạm vùng biển nước ngoài
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng về tình hình, kết quả chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) quý III năm 2023, tình hình tàu cá ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý có giảm so với quý II, tuy nhiên tính chất vẫn còn phức tạp.
Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn phức tạp (ảnh: N. Lân)
Theo Bộ Quốc phòng, tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý giảm so với quý II tuy nhiên tính chất vi phạm phức tạp, đáng chú ý các hành vi cố tình vi phạm vẫn diễn ra như: Người đi trên tàu cá không có văn bằng chứng chỉ chuyên môn theo quy định; Vô hiệu hóa thiết bị VMS hoặc tháo, gửi thiết bị VMS sang tàu cá khác để khai thác hải sản sai vùng, tuyến hoặc vi phạm vùng biển nước ngoài; Sử dụng biển kiểm soát giả để vi phạm vùng biển nước ngoài; Khi bị bắt giữ đã có hành động chống đối nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tàu đánh bắt xa bờ (ảnh: N. Lân)
Trong quý III, các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan bắt giữ 12 tàu/102 ngư dân, giảm 3 tàu/23 ngư dân so với quý II/2023, trong đó 8 tàu/49 ngư dân do sử dụng biển kiểm soát giả đến nay chưa xác minh được. Đáng chú ý, xảy ra 1 vụ/1 tàu cá (tỉnh Kiên Giang) khi bị Malaysia bắt giữ, ngư dân ta dùng hung khí tấn công lại, làm 1 nhân viên thực thi Hàng hải Malaysia bị thương, lực lượng chức năng Malaysia đã nổ súng trấn áp, làm 4 ngư dân ta bị thương. Ngoài ra, Trung Quốc bắt giữ 3 tàu cá/20 ngư dân vi phạm vùng biển Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ, đã giao cho Cảnh sát biển Việt Nam 2 tàu/13 ngư dân; Trung Quốc, Campuchia kiểm soát, ngăn cản, lấy tài sản của 11 tàu cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa và vùng nước lịch sử.
Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp tăng cường tuần tra trên biển (ảnh: N. Lân)
Trước tình hình đó, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có ý kiến chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU), các ban, bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu thông tin tại báo cáo nêu trên của Bộ Quốc phòng. Theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để chỉ đạo xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện hành vi vi phạm quy định pháp luật về chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, yêu cầu Bộ Quốc phòng trên cơ sở các kết quả đạt được trong thời gian qua, chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU liên quan đến công tác chống khai thác IUU. Tiếp tục thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước để kịp thời ngăn chặn, xử lý tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Bình Thuận đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất nếu đoàn Thanh tra EC có đến làm việc.
Sau khi nhận được công văn từ Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẩn trương ban hành văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan quán triệt sâu kỹ nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn nêu trên. Chủ động tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả những nhiệm vụ được giao cho địa phương; trường hợp vượt thẩm quyền thì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai theo quy định.
Được biết, đoàn thanh tra EC đã đến Việt Nam và sẽ làm việc từ ngày 10 – 18/10/2023. Đây là đợt kiểm tra thứ tư của EC kể từ khi Việt Nam bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU. Các địa phương sẽ không được thông báo trước về địa điểm sẽ tiến hành kiểm tra, do đó Bình Thuận đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất nếu đoàn Thanh tra EC có đến làm việc.