Văn Chấn phát huy tiềm năng 3 vùng sản xuất nông nghiệp

Dựa trên đặc điểm về địa hình, thổ nhưỡng và thời tiết, huyện Văn Chấn đã hình thành và phát huy hiệu quả 3 vùng sản xuất nông nghiệp gồm: vùng trong, vùng ngoài, vùng cao và thượng huyện.

Mô hình trồng cây Ngưu bàng tại thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn

Trong đó, vùng trong gồm 4 xã, thị trấn: Đồng Khê, thị trấn Sơn Thịnh, Sơn Lương, thị trấn nông trường Liên Sơn. Đây là vùng tương đối bằng phẳng, giáp ranh với thị xã Nghĩa Lộ. Vùng này có lợi thế để phát triển sản xuất lúa chất lượng cao Séng cù, Chiêm hương gắn với xây dựng và quảng bá sản phẩm gạo Mường Lò; phát triển cây ăn quả, nhất là cây ăn quả có múi, cây nhãn; xây dựng các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi lợn công nghệ cao, chăn nuôi gia cầm hàng hóa; xây dựng vùng trồng rau sạch, an toàn và phát triển trồng rừng gỗ lớn đồng thời có thể nghiên cứu phát triển diện tích trồng cây mắc ca.

Vùng ngoài gồm 9 xã, thị trấn: Đại Lịch, Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La, thị trấn Nông trường Trần Phú, Cát Thịnh. Đây là khu vực có hệ thống giao thông đối ngoại phát triển đáp ứng yêu cầu về kết nối của tỉnh với các tỉnh lân cận như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, Hà Nội. Khu vực này có lợi thế để phát triển cây chè theo hướng thâm canh, cải tạo và thay thế diện tích kém hiệu quả, cung cấp nguyên liệu chế biến chè đen xuất khẩu gắn với các cơ sở chế biến. Đồng thời tiếp tục duy trì và phát triển vùng cây ăn quả có múi; phát triển chăn nuôi thủy đặc sản như: ba ba, cá nước lạnh...

Vùng cao và thượng huyện gồm 11 xã: Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền, An Lương, Nậm Lành, Nghĩa Sơn, Sùng Đô, Nậm Mười, Gia Hội, Nậm Búng, Tú Lệ. Vùng này có độ cao trung bình so với mực nước biển 600 m trở lên, có tiềm năng về đất đai, lâm nghiệp, khoáng sản, chăn nuôi đại gia súc, du lịch sinh thái. Đây là vùng phát triển cây chè Shan, hình thành vùng nguyên liệu chè sạch phục vụ chế biến chè xanh chất lượng cao; chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả, chăn nuôi lợn vùng cao; phát triển trồng rừng, trồng quế, mắc ca. Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều tiềm nằng, lợi thế thu hút đầu tư phát triển du lịch theo hướng gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử địa phương và bảo vệ môi trường.

Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/286501/van-chan-phat-huy-tiem-nang-3-vung-san-xuat-nong-nghiep.aspx