Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 7 và chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng 16-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 7 do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Sau 20 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định sự nhất trí, đoàn kết trong hoạt động của Quốc hội, đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị, sự quan tâm ủng hộ của cử tri và nhân dân.

Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác; phê chuẩn nhân sự, tiến hành giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Đặc biệt, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục khẳng định được hiệu quả, hiệu lực và thực chất hơn. Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, phù hợp với nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều chất vấn gọn, rõ, bám sát nhóm vấn đề, thể hiện sự đồng hành, chia sẻ những khó khăn trong quản lý, điều hành của Chính phủ. Nhiều đại biểu đã tranh luận làm rõ thêm những vấn đề quan tâm. Thành viên Chính phủ đã trả lời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm, đồng thời đưa ra nhiều cam kết khắc phục những mặt hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực phụ trách. Chủ tọa phiên chất vấn kiên quyết, khéo léo, hài hòa, hướng câu hỏi và trả lời đúng trọng tâm, được cử tri đánh giá cao. Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn giảm nhưng số lượng đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và số lượng câu hỏi chất vấn tăng lên...

Cùng với đó, chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, chặt chẽ, tiết kiệm; có nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp; được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế...

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, việc tổ chức Kỳ họp thứ 7 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm. Đó là, chất lượng chuẩn bị một số nội dung còn hạn chế. Hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu Quốc hội. Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn một số ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng lắp; có đại biểu nêu chất vấn còn dài, chưa rõ ý, chất vấn quá thời gian quy định; một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng trọng tâm. Một số kiến nghị của của cử tri chưa được Chính phủ, các Bộ, ngành trả lời rõ ràng, chưa xác định thời gian giải quyết cụ thể, nhất là các vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm...

Qua thảo luận, theo đánh giá của một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp thứ 7 có nhiều cải tiến về mặt thời gian. Các đại biểu thảo luận sôi nổi, nhất là các đại biểu nữ, đại biểu trẻ, thể hiện trách nhiệm của đại biểu. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ thấy rằng, số lượng đại biểu vắng mặt đông. Ngoài ra, chất lượng thảo luận tại một số tổ chưa tốt, nhiều tổ nghỉ sớm. Một số ý kiến đề nghị không nên ghép quá nhiều nội dung vào một buổi thảo luận tổ dẫn đến thảo luận không sâu, không nêu được hết vấn đề...

Về chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan sớm khẳng định việc trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này về các nội dung sau: Phê chuẩn các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); sửa đổi, bổ sung các luật để thực hiện Hiệp định EVFTA và EVIPA; thông qua các nghị quyết về: Xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn khả năng sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội để thực hiện từ năm 2021 đến năm 2026 và một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hà Nội...

Đồng thời, đề nghị giảm tối đa tài liệu bằng văn bản giấy, đồng thời, nâng cấp để tăng tiện ích của phần mềm cung cấp, thông tin tài liệu kỳ họp trên thiết bị di động, bảo đảm tiến độ chuẩn bị và gửi tài liệu để thuận tiện cho việc nghiên cứu, sử dụng tài liệu điện tử.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trên cơ sở thảo luận tại phiên họp hôm nay, Ủy ban Pháp luật chủ trì và phối hợp với Bộ Tư pháp để triển khai Chương trình Luật, pháp lệnh năm 2020 mà Quốc hội đã thông qua. Đồng thời, đề nghị Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi đánh giá báo cáo tác động của các dự án Luật cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng và chủ động triển khai nhiệm vụ xây dựng Luật, pháp lệnh theo chương trình của năm 2020, bảo đảm tuổi thọ của các dự án Luật khi đưa vào cuộc sống.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-tong-ket-ky-hop-thu-7-va-chuan-bi-noi-dung-cho-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xiv-582471