Ưu tiên nhân lực cho các lãnh vực thiết yếu
Hiện nay một số ngành, lĩnh vực đang bị quá tải công việc do nhu cầu của người dân, tổ chức tăng đột biến.
Mới đây nhất là việc người dân phải xếp hàng chờ đợi để làm phiếu lý lịch tư pháp ở Hà Nội, làm giấy tờ nhà đất, hộ chiếu, hộ tịch, chứng thực, đăng kiểm xe cơ giới... ở một số địa phương.
Nguyên nhân một phần do việc phân bổ nhân lực chưa hợp lý. Thông thường hiện nay các ngành, lĩnh vực cùng cấp thường được bố trí số lượng biên chế gần như tương đương nhau, dẫn đến tình trạng một số ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đôi khi quá tải. Cơ quan, tổ chức đó thường bị kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm do chậm giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức và bị người dân khiếu nại, phàn nàn, bức xúc...
Đây cũng là nguyên nhân dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu do người dân, doanh nghiệp muốn giải quyết nhanh thủ tục thì thường "bôi trơn", nếu cán bộ, công chức không giữ vững được phẩm chất sẽ dẫn đến tiêu cực, nhận hối lộ. Mặt khác, vì công việc áp lực, lại thường xảy ra rủi ro trong thực thi công vụ và không có nhiều thời gian dành cho bản thân, gia đình nên nhiều cán bộ, công chức xin nghỉ việc hoặc xin chuyển sang cơ quan, đơn vị khác.
Đó là chưa nói đến dù là cơ quan chuyên môn nhưng các cơ quan trong hệ thống hành chính cũng phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác. Nếu nhân lực ít, công việc nhiều sẽ làm cho hiệu quả công tác chuyên môn chính được giao bị ảnh hưởng.
Ngược lại một số cơ quan, đơn vị lại khá... "nhàn rỗi" do khối lượng công việc không lớn, lại không quá phức tạp nên trong giải quyết công việc cứ từ từ, ít bị kiểm điểm trách nhiệm trong thực thi công vụ và không bị người dân phàn nàn.
Vì vậy, cần sắp xếp, bố trí biên chế, nhân lực hợp lý hơn. Theo đó, quan tâm đến các ngành, lĩnh vực thiết yếu, quan trọng để tập trung nguồn lực, nhân lực cho các lĩnh vực này nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc. Đặc biệt nên phân định rạch ròi là cơ quan chuyên môn thì tập trung làm công tác chuyên môn; các cơ quan đoàn thể; tổ chức xã hội - nghề nghiệp thì tập trung công tác đoàn thể, xã hội, không nên giao nhiệm vụ cho các cơ quan, tổ chức gần giống nhau và đánh giá, xếp loại đồng đều như nhau.