Ủng hộ đúng cách

Các hoạt động cứu trợ miền Trung thời gian qua còn nhiều điểm gợn khiến chúng ta phải xem lại cách cứu trợ làm sao đạt hiệu quả cao nhất.

Trong bối cảnh lũ chồng lũ, bão chồng bão đang gây thiệt hại nghiêm trọng tính mạng và của cải của nhân dân miền Trung, người dân cả nước lại phát huy tinh thần "tương thân, tương ái", truyền thống "lá lành đùm lá rách", "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Người dân từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi sôi nổi hưởng ứng phong trào vì miền Trung ruột thịt. Nhiều hoạt động ủng hộ đã được thực hiện như tổ chức các chuyến xe chở lương thực, thực phẩm vào vùng lũ; đưa xuồng, cano đến những nơi ngập sâu để cứu người, vận chuyển hàng cứu trợ; gói bánh gửi tới những nơi không thể nấu ăn giúp người dân qua cơn đói; quyên góp tiền, hiện vật như quần áo, sách vở, đồ dùng học tập... hỗ trợ người dân miền Trung khôi phục cuộc sống sau lũ. Mỗi khi đối mặt với thiên tai, địch họa thì tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau của đồng bào cả nước lại dâng cao hơn lúc nào hết. Chính tinh thần đó đã góp phần động viên, khích lệ nhân dân miền Trung cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, các hoạt động cứu trợ miền Trung thời gian qua vẫn còn nhiều điểm gợn khiến chúng ta phải xem lại cách cứu trợ làm sao đạt hiệu quả cao nhất. Hình ảnh những chiếc bánh chưng, bánh tét ôi thiu vứt lăn lóc dọc đường, những đống quần áo ngổn ngang lấm lem bùn đất bị bỏ lại khiến nhiều người băn khoăn về hoạt động cứu trợ chúng ta vẫn làm thời gian qua. Ai cũng biết một miếng bánh, một gói mỳ tôm khi đói cũng đủ làm ấm lòng người dân sau nhiều ngày dầm trong mưa lũ. Thế nhưng không phải vì thế mà ùn ùn gói bánh, mua mỳ tôm chuyển vào miền Trung. Bánh chưng, bánh tét trong điều kiện nắng nóng chỉ để được vài ngày là bị ôi thiu. Nếu gói vội, luộc không kỹ, vận chuyển không kịp thì bánh chưa đến tay người dân đã bị hỏng. Người dân bỏ đi không đành mà nhận thì không ăn được. Điều này khiến cả người cho và người nhận đều lâm vào cảnh khó xử. Chưa kể nhiều đoàn cứu trợ chỉ đến được những địa phương ven quốc lộ, giao thông thuận lợi. Còn những thôn, bản xa xôi, đi lại khó khăn, bị cô lập hoàn toàn trong lũ thì không nhận được gì dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu...

Trong lũ, nhiều tài sản của người dân bị cuốn theo dòng nước. Không chỉ thiếu ăn, người dân còn thiếu mặc. Vì thế, phong trào quyên góp quần áo ủng hộ đồng bào miền Trung được nhiều người ủng hộ. Nhờ vậy mà những cụ già, em nhỏ miền Trung không phải co ro trong mưa rét. Thế nhưng có tổ chức, cá nhân gom góp được nhiều nhưng lại không phân loại. Người quyên góp không đặt mình vào vị trí của người dân miền Trung nên họ góp bất cứ thứ gì họ có mà không hiểu liệu người dân vùng lũ có dùng được hay không. Thử hỏi những cụ già, những em nhỏ liệu có mặc được áo hai dây hay quần bò mài gối. Thậm chí, có những bộ quần áo đã cũ, chỉ có thể làm giẻ lau cũng được người ta quyên góp rồi vô tư chuyển hết vào cho bà con. Cho nên, thật dễ hiểu khi những đống quần áo bị vứt vạ vật bên vệ đường lấm lem bùn đất. Nhiều người có ý trách bà con, họ nói rằng hãy cứ nhận đã, nếu không mặc được thì để dùng vào việc khác. Họ đâu có hiểu rằng trong cái quay cuồng của lũ dữ, nhiều người phải đi xa hàng chục km với bao hiểm nguy để nhận quà cứu trợ thì họ còn tâm trí đâu để nhận những thứ không thể dùng được. Vì thế, đừng trách bà con mà hãy xem lại cách cứu trợ, ủng hộ đang triển khai hiện nay.

Dân tộc ta có câu "của cho không bằng cách cho". Mặc dù khó khăn nhưng không phải cứ dúi vào tay người dân cái gì họ cũng nhận. Lúc cấp bách thì miếng ăn quý hơn vàng nhưng khi đã qua cơn nguy khốn, việc giúp người dân dựng lại nhà cửa, mua sắm vật dụng, công cụ lao động, sách vở, đồ dùng học tập… cũng quan trọng không kém. Đừng chạy theo phong trào mà hãy ủng hộ bằng chính cái tâm của mình, bằng sự thấu hiểu để người cho thấy thanh thản và người nhận thấy thực sự cảm kích.

VỊ THỦY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/ung-ho-dung-cach-150917