Tự nguyện hòa giải - lợi ích muôn phần

Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nỗ lực từng bước đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án vào cuộc sống. Tất cả vì lợi ích của người dân, quyền lợi của đương sự và chất lượng, hiệu quả công tác xét xử khi các vụ việc tiến hành hòa giải thành.

Giảm gánh nặng, nhờ có hòa giải viên

Bà Liên Lâm Anh Thảo - Chánh án TAND huyện Cù Lao Dung cho biết, từ khi Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực (ngày 1/1/2021), đơn vị đã nghiêm túc triển khai; lựa chọn những người có uy tín, kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải và am hiểu pháp luật để đề nghị bổ nhiệm hòa giải viên. Bởi theo luật định, hòa giải viên không phải là cán bộ, công chức tòa án mà chỉ là người được Chánh án TAND tỉnh bổ nhiệm để thực hiện việc hòa giải, đối thoại giữa các bên tranh chấp, giữa người khởi kiện với người bị kiện. Nếu hòa giải, đối thoại không thành thì tòa án mới thụ lý vụ việc để giải quyết theo trình tự tố tụng. Như vậy, hòa giải, đối thoại thành sẽ là giải pháp cơ bản, giúp giải quyết khối lượng công việc “khủng” của đơn vị trong tình hình các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính không ngừng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp qua từng năm.

Buổi hòa giải của ông Nguyễn Thành Tâm tại TAND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: SỚM MAI

Buổi hòa giải của ông Nguyễn Thành Tâm tại TAND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: SỚM MAI

Hiện nay, có 2 hòa giải viên đã được bổ nhiệm (1 hòa giải viên được bổ nhiệm cuối năm 2021, 1 hòa giải viên mới được bổ nhiệm) và đơn vị tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Trước hết, đơn vị phối hợp với Phòng Tư pháp huyện và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về tinh thần, lợi ích của hoạt động này. Đồng thời, công chức thực hiện tiếp dân của đơn vị đã nhiệt tình giải thích, hướng dẫn để người dân có sự lựa chọn phù hợp và quan tâm bố trí phòng hòa giải phù hợp. Thông thường, các mâu thuẫn, tranh chấp đến giai đoạn ra tòa thì khó lòng tự nguyện hòa giải nhưng tại TAND huyện Cù Lao Dung, các đương sự lựa chọn hoạt động hòa giải tại tòa lại chiếm trên 60% so với lượng án thụ lý và tỷ lệ hòa giải thành chiếm khá cao. “Bởi đơn vị tôi bổ nhiệm được những hòa giải viên có kỹ năng hòa giải tốt và tinh thần trách nhiệm cao với công việc, tạo được sự tin tưởng, lựa chọn của đương sự” - Chánh án TAND huyện Cù Lao Dung tự hào nhận định.

Trách nhiệm và tâm huyết

Ông Nguyễn Thành Tâm là cán bộ hưu trí có trên 40 năm tham gia hoạt động cách mạng và đã từng kinh qua nhiều vị trí, chức vụ từ Trưởng Công an xã (3 xã), Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy đến Chánh Thanh tra huyện và Phó Chủ tịch HĐND huyện. Bằng những kiến thức, kinh nghiệm quý báu của bản thân và sự nhiệt huyết, sức khỏe dồi dào với mong mỏi cống hiến cho đời đã giúp ông Tâm làm tốt vai trò hòa giải viên. Chỉ được bổ nhiệm hòa giải viên chưa đầy 1 năm mà ông đã tiến hành hòa giải 136 vụ việc, hôn nhân gia đình chiếm trên 90% và kết quả hòa giải thành 102 vụ việc.

Theo ông Tâm, người hòa giải viên thì đừng bao giờ ngại mất thời gian mà phải luôn biết lắng nghe, tìm hiểu mấu chốt của vấn đề cần tháo gỡ. Là một hòa giải viên tại tòa nhưng ông Tâm rất thường đi cơ sở, tìm hiểu thực địa và đôi lúc còn huy động, nhờ sự hỗ trợ của người có uy tín, người thân của đương sự “tiếp lời”. Vì khi họ chọn cách ra tòa, đồng nghĩa với việc các mâu thuẫn, tranh chấp có thể đã lên đến đỉnh điểm nên khó lòng ngồi lại trao đổi với nhau, nên rất cần có một người trung gian để lắng nghe, gắn kết và ông Tâm chính là người bạn già của các đôi trẻ có đời sống hôn nhân sắp đổ vỡ. “Tôi thường tách họ ra để nghe họ trút cạn nỗi lòng, sự uất ức khó bày tỏ với bạn đời; rồi xoa dịu, cảm thông, chia sẻ, khuyên nhủ để gắn kết họ lại với nhau. Tôi thấy nhiều cặp đôi vẫn còn tình cảm, nặng lòng với nhau nhưng chỉ bởi cái tôi quá lớn, chẳng ai muốn nhường ai nên khiến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng. Có thể hòa giải đoàn tụ là niềm vui lớn của mỗi gia đình và chính bản thân tôi” - ông Tâm bộc bạch.

Tùy từng lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp mà hòa giải viên có những phương pháp động viên, thuyết phục khác nhau. Trước khi thực hiện hòa giải, ông Tâm luôn giải thích, nêu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp; trình tự thủ tục tố tụng và lợi ích khi thực hiện hòa giải tại tòa án để người dân cân nhắc, xem xét, lựa chọn hướng giải quyết phù hợp nhất. Bởi lẽ, các mâu thuẫn, tranh chấp mà nếu không đồng ý hòa giải thì cuối cùng tòa án cũng sẽ tiến hành bước tiếp theo, xử lý vụ việc theo luật định. Khi ấy, các đương sự sẽ mất thời gian, công sức, tiền bạc cho việc đeo đuổi vụ kiện mà kết quả chẳng có gì khác lời hòa giải viên đã nhận định. Rồi vụ việc kết thúc, tình làng nghĩa xóm liệu có còn và thâm tình đổ vỡ làm sao để hàn gắn; những cuộc hôn nhân đổ vỡ sẽ là nỗi đau, mất mát của con trẻ…

Ông Tâm cảm thấy rất hạnh phúc khi được các đương sự lựa chọn để tiến hành hòa giải và hạnh phúc hơn khi họ tin tưởng chấp nhận hòa giải thành. Điều đó, khiến ông Tâm tự nhủ bản thân phải có trách nhiệm hơn với công việc và khao khát cống hiến vẫn luôn cháy bỏng trong lòng người cán bộ hưu trí. Chính những hòa giải viên tâm huyết như ông đã góp phần đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án thực sự đi vào cuộc sống, đem đến sự bình yên cho xóm làng và giảm nhiều gánh nặng cho tòa án trong hoạt động xét xử.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/tu-nguyen-hoa-giai-loi-ich-muon-phan-58978.html