Từ nay đến năm 2030, dự kiến giảm gần 350.000 ha đất trồng lúa
Theo Ủy ban Kinh tế, đến năm 2030 rà soát, hạn chế việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa tại các vùng có tiềm năng trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp do diện tích đất lúa giảm gần 350.000 ha, tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL.
Theo tờ trình của Chính phủ tại Quốc hội, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) đặt mục tiêu đảm bảo quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo nền tảng để đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Bên cạnh đó, giúp phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; Đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ các hệ sinh thái, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%.… kết nối các hành lang kinh tế, vùng động lực; Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đến năm 2050, tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh... hoàn thành mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không gian sử dụng đất được phân bổ dựa trên tiềm năng của các vùng sinh thái nông nghiệp, lợi thế hành lang kinh tế ven biển và 6 vùng kinh tế - xã hội, đảm bảo cân đối được yêu cầu an ninh lương thực, mục tiêu thiên niên kỷ về môi trường, văn hóa, quốc phòng, an ninh; đảm bảo cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên.
Theo đề xuất của Chính phủ, phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, đất nông nghiệp có 27,73 triệu ha, trong đó đất trồng lúa và lúa kết hợp cây lương thực là 3,568 triệu ha, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là 15,85 triệu ha; Đất phi nông nghiệp là 4,90 triệu ha, trong đó, đất khu công nghiệp là 210,93 nghìn ha, đất quốc phòng, an ninh lần lượt là 289,07 nghìn ha và 72,33 nghìn ha, đất phát triển hạ tầng quốc gia là 1,75 triệu ha; Đất đô thị là 2,95 triệu ha. Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia với các quy hoạch có liên quan để hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn.
Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh để có đầy đủ căn cứ thực hiện thu hồi đất, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch. Về chỉ tiêu đất trồng lúa, theo Ủy ban Kinh tế, rà soát, hạn chế việc chuyển đổi đất lúa (nhất là đất chuyên trồng lúa) tại các vùng có tiềm năng trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp do diện tích đất lúa đến năm 2030 giảm 348,77 nghìn ha nhưng giảm tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL. Trong khi đó, đất khu công nghiệp thời gian tới sẽ được chuyển đổi từ đất lúa tương đối lớn (48,4 nghìn ha), khi đã chuyển đổi sang đất khu công nghiệp thì không thể khôi phục diện tích đất lúa đó, do đó, cần rà soát kỹ lưỡng, hạn chế việc sử dụng đất lúa để xây dựng các khu công nghiệp.
Cho rằng, xu hướng biến động đất quốc phòng, đất an ninh trong thời kỳ 2021 - 2030 không lớn; diện tích tăng thêm chủ yếu để mở rộng, bố trí quy hoạch mới các công trình, dự án cho mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng trụ sở làm việc…, do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát diện tích đất quốc phòng, an ninh không còn nhu cầu sử dụng để giao lại địa phương quản lý, sử dụng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Cũng theo tờ trình của Chính phủ, thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011-2020 cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội quyết định (bình quân đạt 85,35%); có 14 chỉ tiêu đạt trên 90%, 6 chỉ tiêu đạt từ 70%-90%, 1 chỉ tiêu đạt từ 50% -70% và 4 chỉ tiêu đạt dưới 50%. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ nguồn lực đất đai cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Khẳng định, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011-2020 tuy cơ bản đạt được các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra, nhưng Chính phủ cũng thừa nhận công tác quy hoạch vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như: Hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo đồng bộ, kết nối, thiếu tầm nhìn dài hạn; Dự báo sử dụng đất chưa sát với nhu cầu, việc phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương; Việc tổ chức lập, thực hiện quy hoạch còn là khâu yếu…/.