Tự hào được nhận Cờ luân lưu của Bác
Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng với những chiến công vang dội trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà còn khẳng định vị thế trong cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn chống Mỹ. Trong số những chiến công đặc biệt, thành tích bắn rơi chiếc máy bay thứ 999 và 1.000 của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc là một dấu ấn tự hào của quân và dân Thái Nguyên.

Bia tưởng niệm 15 chiến sĩ Trung đội tự vệ Tiểu khu Hoàng Văn Thụ anh dũng hy sinh tại trận địa bảo vệ cầu Gia Bẩy.
Hiên ngang chiến đấu
Từ tháng 2-1965, đế quốc Mỹ phát động chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc. Tám tháng sau đó, ngày 17/10/1965, chúng leo thang đánh phá Thái Nguyên. Trong cuộc chiến tranh này, đế quốc Mỹ đã huy động 4.000 lần chiếc máy bay các loại (có 69 lần chiếc B52) đánh phá Thái Nguyên trên 1.900 trận, trong 297 ngày và 70 đêm, thả gần 15.000 quả bom phá (tương đương 5.000 tấn).
Riêng TP. Thái Nguyên, chúng đã huy động tới 2.056 lần chiếc, trong đó có 69 lần chiếc B52, tiến hành 269 phi vụ, ném 6.658 quả bom, trên 10 vạn quả bom bi, bắn hàng trăm quả tên lửa và rốc két, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Trước bom đạn ác liệt, quân và dân Thái Nguyên vẫn hiên ngang chiến đấu, đứng vững như một chiến lũy anh hùng. Quân và dân tỉnh Thái Nguyên đã chiến đấu hơn 400 trận, bắn rơi 61 máy bay các loại, trong đó có 2 chiếc B52, 1 chiếc máy bay trinh sát điện tử EB 66, tháo gỡ hàng trăm quả bom từ trường, bom nổ chậm, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái.
Ngày 17/10/1965, trong trận đánh bảo vệ cầu Gia Bẩy, Trung đội 2 tự vệ khu phố Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) làm nhiệm vụ trực chiến trên đồi Két Nước đã kiên cường chống trả với chỉ 1 súng máy và 6 khẩu súng trường. Toàn bộ Trung đội đã kiên cường chiến đấu, tạo điều kiện cho các đơn vị cao xạ bảo vệ thành phố Thái Nguyên bắn rơi 1 máy bay Mỹ.
Khi máy bay địch ném bom vào trận địa, Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Trung đội 2 khu phố Hoàng Văn Thụ đã bình tĩnh nhằm thẳng vào các tốp máy bay địch nổ súng đánh trả cho tới khi cả Trung đội bị thương vong.
Cũng trong trận chiến ấy, khi góc bắn hạn chế, đồng chí Đoàn Văn Bảo (tự vệ Hợp tác xã cơ khí Bắc Nam) đã dũng cảm leo lên thành công sự, lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội bắn máy bay địch. Nữ y tá Nguyễn Thị Dung bị sức ép của bom, vẫn dũng cảm lao lên trận địa cứu chữa thương binh…

Cầu Gia Bẩy hiện nay.
Vang mãi chiến công
Quân thù điên cuồng tăng cường hoạt động trinh sát, đến chiều 23/4/1966, ba tốp máy bay F-105 bay từ nhiều hướng, nhiều tầng vào đánh phá khu vực T.P Thái Nguyên và các trận địa phòng không của ta. Trung đoàn 210 và lực lượng Dân quân tự vệ hiệp đồng chặt chẽ nổ súng kịp thời, bắn rới 2 chiếc máy bay F-105 của Mỹ.
Năm ngày sau, tình hình tiếp tục căng thẳng. Trung đoàn 210 chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp một. 4 giờ 47 phút ngày 29/4/1966, 2 tốp máy bay địch xuất hiện ở hướng Hòa Bình bay về hướng Phú Thọ, Tuyên Quang.
Đến 15 giờ 7 phút, các vọng quan sát báo về: máy bay địch xuất hiện nhiều hướng, bay thấp về phía thành phố. Trung đoàn 210 lập tức phát lệnh báo động. Còi báo động phòng không của T.P Thái Nguyên và Khu công nghiệp Gang thép rú lên từng hồi. Các lực lượng phòng không vào vị trí chiến đấu.
15 giờ 9 phút, 2 máy bay F-105 lao về cầu Gia Bẩy. Cùng lúc, 4 chiếc khác từ Đông Bắc bay theo dãy núi Linh Nham vòng về hướng Khu gang thép. Khi máy bay vào tầm ngắm, Trung đoàn trưởng Nguyễn Luân ra lệnh khai hỏa. Loạt đạn đầu tiên một chiếc máy bay địch đã trúng đạn bốc cháy, cố bay theo hướng Đông Bắc thành phố đến khu vực xã Văn Lăng (Đồng Hỷ ngày nay) thì đâm sầm xuống đất mang theo 4 quả bom chưa kịp gây tội ác. Đây là chiếc máy bay thứ 999 của địch bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.
Tốp thứ hai, 4 chiếc F-105 bay theo hướng đường sắt Trại Cau - Khu Gang thép, 2 chiếc đầu bay thấp đột ngột nâng độ cao, nhằm qua ống khói lò cao làm điểm bổ nhào ném bom ga Lưu Xá và Lập Tàu.
Hai chiếc bay sau tiếp tục nâng độ cao bổ nhào, nhưng chưa kịp ném bom thì đã bị hỏa lực của Trung đoàn đánh trả quyết liệt. Một chiếc trúng đạn, "bị thương" bay về hướng Tây Bắc. Sau đó, 6 chiếc F-105 từ hướng Đông Bắc thành phố tiếp tục bổ nhào đánh phá khu gang thép, ga Lưu Xá, Lập Tàu và xã Quyết Thắng (Đồng Hỷ), bắn rốc két vào Nhà máy điện Cao Ngạn.
Đại đội 101 với 8 khẩu pháo 100mm từ đồi Tiến Lập, xã Gia Sàng, dưới sự chỉ huy của Đại đội phó Nguyễn Văn Hữu và Chính trị viên Nguyễn Quang Thịnh, đồng loạt khai hỏa.
Đúng lúc trận địa của Đại đội 104 đang căng mình chiến đấu, bốn quả bom bất ngờ từ trên không rít xuống, rồi nổ tung như tiếng sấm rền vang. Đất đá cuộn lên, khói bụi mù mịt che phủ cả trận địa, mùi thuốc súng nồng nặc quyện vào gió, nhưng kỳ diệu thay, cả người và pháo vẫn nguyên vẹn.
Không một phút nao núng, các chiến sĩ lập tức bám mục tiêu, tập trung hỏa lực vào chiếc máy bay thứ hai trong tốp địch đang lượn vòng phía trên. Những loạt đạn pháo như xé toạc không trung, tiếng nổ dồn dập. Rồi khoảnh khắc lịch sử đã đến, đúng 15 giờ 22 phút ngày 29 tháng 4 năm 1966, một tiếng nổ lớn vang lên từ giữa tầng không, chiếc F-105 trúng đạn, bốc cháy ngùn ngụt như một ngọn đuốc khổng lồ giữa trời chiều.
Chiếc máy bay mất kiểm soát, loạng choạng rồi cắm đầu lao thẳng xuống cánh đồng Làng Chùa, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, để lại sau lưng một cột khói đen kịt. Đây là chiếc máy bay thứ 1.000 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Hai chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi tại chỗ, khiến cho đồng bọn hoảng loạn, tháo chạy khỏi vùng trời Thái Nguyên.
Với chiến công bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1.000 trên miền Bắc, quân và dân Thái Nguyên đã được tặng Cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Bác Hồ trao tặng.

Trung tâm TP. Thái Nguyên hiện nay. Ảnh: Mạnh Hùng
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước ta được hoàn toàn giải phóng. Cùng với quân và dân cả nước, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Thái Nguyên bước vào thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những dấu son chói lọi của lịch sử vẫn sáng mãi.
Thế hệ trẻ Thái Nguyên hôm nay, khi đứng trước những di tích lịch sử, những bia tưởng niệm khắc ghi chiến công, không khỏi xúc động và tự hào. Đó là động lực để tiếp nối truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với những hy sinh của cha ông.