Từ chuyện bằng cấp giả, thăng tiến thật

Ông Nguyễn Công Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Bắc Ninh vừa bị đề nghị kỷ luật do dùng văn bằng trình độ thạc sĩ giả, khiến dư luận quan tâm.

Theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, ông Thắng khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ đã dùng bằng thạc sĩ giả, sau đó dùng bằng tiến sĩ thi nâng ngạch.

Ông Nguyễn Công Thắng. Ảnh: Cổng thông tin huyện Tiên Du.

Ông Nguyễn Công Thắng, 40 tuổi, từng làm Bí thư Huyện ủy Tiên Du, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy trước khi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh từ tháng 6/2022.

Theo hồ sơ cán bộ, ông Thắng sở hữu rất nhiều bằng: cử nhân tài chính ngân hàng; cử nhân luật; thạc sĩ kinh tế chuyên ngành quản trị kinh doanh; thạc sĩ luật chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự; tiến sĩ kinh tế chuyên ngành kinh tế - chính trị.

Với việc dùng bằng thạc sĩ giả, rõ ràng ông Thắng đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc sử dụng văn bằng không hợp pháp, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Thực ra, câu chuyện sử dụng bằng cấp giả để "chui" vào bộ máy công quyền, rồi sau đó leo lên chức vụ cao là câu chuyện không mới. Thực tế, đã có nhiều quan chức ngã ngựa vì sử dụng bằng giả.

Cách đây chưa lâu, khi vụ án tại trường Đại học Đông Đô vỡ lở, người ta mới biết có 67 người đã dùng bằng giả để làm nghiên cứu sinh, 2 trường hợp sử dụng để học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công chức và viên chức...

Hay như trường hợp cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, khi bị kỷ luật, dư luận mới vỡ lẽ ông này đã kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực. Đó còn là cựu Phó chánh thanh tra tỉnh Hải Dương Nguyễn Trọng Điều, bị cách chức vì dùng bằng đại học giả… Và nhiều, rất nhiều trường hợp khác nữa.

Vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Công Thắng lần này thêm một lần cảnh báo về tình trạng sử dụng bằng giả để thăng tiến thật của một bộ phận quan chức.

Người ta không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình đề bạt, bổ nhiệm đối với ông Thắng. Chẳng lẽ với một hệ thống kiểm tra, giám sát như vậy, bao lâu sau sự việc mới bị phát hiện?

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra những loại "chạy": chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội.

Trong đó, chạy bằng cấp là rất đáng lên án. Những người có hành vi này không chỉ suy thoái về phẩm chất đạo đức, mà còn suy thoái về chính trị. Nó không chỉ làm mất uy tín cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín của tổ chức đảng.

Bằng cấp phần nào thể hiện trình độ kiến thức, trí tuệ, năng lực của mỗi người. Đó cũng là một trong những tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền có thêm căn cứ đánh giá, tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ.

Tuy nhiên, bằng cấp chỉ có giá trị và ý nghĩa thực sự khi chủ sở hữu nó phải được giáo dục, đào tạo nghiêm túc, nói cách khác là phải học thật.

Cũng không thể phủ nhận, việc coi trọng bằng cấp khi tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ hiện nay vẫn khá phổ biến. Trong khi đáng ra bằng cấp chỉ nên là điều kiện cần, chứ không phải quan trọng nhất, duy nhất.

Bởi vậy, cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần đạo đức công vụ, đề cao liêm sỉ, cần có bộ tiêu chí khoa học để đánh giá thực chất trình độ, trí tuệ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức.

Đi kèm với đó là sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. Có như vậy mới mong chấm dứt được nạn "bằng cấp giả, thăng tiến thật".

TS Phạm Quang Long

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tu-chuyen-bang-cap-gia-thang-tien-that-192231030220547812.htm