Cuộc tập trận của hải quân NATO trên vùng biển Địa Trung Hải với sự tham gia của tàu sân bay có thể bị gián đoạn do sự xuất hiện những chiếc oanh tạc cơ siêu âm Tu-22M3 mang tên lửa Kh-32 của Nga.
Rắc rối lớn nhất đối với NATO không phải là sự xuất hiện của máy bay ném bom chiến lược Nga ở Syria, mà chủ yếu là tên lửa hành trình chống hạm nó mang theo khả năng đủ để tiêu diệt bất kỳ tàu chiến nào đang ở Địa Trung Hải, thậm chí cả tàu sân bay.
Hình ảnh được giới thiệu về sự xuất hiện của máy bay ném bom Tu-22M3 Nga ở Syria, có thể thấy rằng mỗi chiếc được trang bị một tên lửa hành trình chống hạm. Hiện chưa xác định rõ được loại tên lửa treo dưới cánh phi cơ.
Nhưng theo các nhà phân tích, chúng ta đang nói về tên lửa Kh-32, mặc dù các máy bay ném bom loại này thường được trang bị số lượng tên lửa chống hạm lớn hơn nhiều.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, chúng ta đang thực sự nói về việc điều động máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 tới Syria nhằm đáp trả các cuộc tập trận của NATO và sự hiện diện của hàng không mẫu hạm ở Biển Địa Trung Hải.
Như đã nói trước đây, Nga lo ngại số phương tiện nói trên sẽ được NATO sử dụng để chống lại mình trong trường hợp xảy ra xung đột ở Ukraine, cụ thể là tại Donbass.
Tên lửa hành trình không đối hạm Kh-32 là bản nâng cấp từ nguyên mẫu Kh-22 ra đời dưới thời Liên Xô, vũ khí này chính thức được trang bị cho Không quân Nga vào năm 2016.
So với Kh-22 thế hệ trước thì tên lửa Kh-32 đời mới chỉ giữ lại những chỉ số về trọng lượng và kích thước của phiên bản cơ sở, trong khi phần "lõi" lại hoàn toàn khác biệt.
Động cơ của tên lửa Kh-32 có hiệu suất tốt, giúp tiết nhiên liệu và cung cấp công suất lớn hơn, cho phép nâng tầm bắn lên tới 1.000 km so với con số 600 km của Kh-22.
Tốc độ hành trình của Kh-32 đạt tới 4.000 km/h, vận tốc nước rút khi tiếp cận mục tiêu lên tới 5.400 km/h. Sau khi rời máy bay, tên lửa sẽ leo lên tới trần bay 40 km, từ độ cao đó nó sẽ bổ thẳng xuống mục tiêu với một góc tấn lớn.
Nhờ việc ứng dụng những công nghệ tác chiến điện tử mới, Kh-32 khó bị hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương bắn hạ. Xác suất diệt mục tiêu của tên lửa Kh-32 là 0,8 - 0,82.
Kh-32 không phải là tên lửa chống hạm thuần túy, nó còn là tên lửa hành trình đa năng không đối đất. Phần cải tiến hệ thống điều khiển không liên quan tới việc sử dụng nó trên biển.
Trong quả tên lửa này xuất hiện thêm hệ thống điều chỉnh đường bay "theo bản đồ" - thiết bị đo độ cao sẽ theo dõi địa hình và so sánh với bản đồ số của khu vực mà quả tên lửa sẽ bay qua.
Do không phụ thuộc vào hệ thống định vị vệ tinh GPS hay GLONASS mà thông qua đầu dò radar chủ động cho nên khả năng gây nhiễu đối với tên lửa Kh-32 là rất khó.
Bởi vì đây là quả tên lửa hoàn toàn mới, cho nên các tính năng chiến đấu của Kh-32 hoàn toàn được giữ kín và nó được cho là vẫn còn phải thử nghiệm thêm để hoàn thiện.
Mới đây có thông tin cho biết Kh-32 sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân, chưa xuất hiện báo cáo thêm về những đầu đạn xuyên phá bằng thuốc nổ truyền thống.
Bạch Dương