TTCK: Nâng tầm chuyên nghiệp, thủ thuật cũng tinh vi
Thị trường chứng khoán (TTCK) chính là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ các cung bậc đời sống, từ những thành công chân chính, tới những thất bại hiển nhiên, và có cả những lừa lọc, toan tính. Song qua đó, nhà đầu tư (NĐT) trưởng thành hơn theo thời gian, và đúng với câu 'đạo cao một thước, ma cao một trượng' tức những rủi ro cạm bẫy cũng ngày càng tinh vi hơn.
Sản sinh một thế hệ NĐT chuyên nghiệp
Quá trình phát triển 20 năm của TTCK có rất nhiều con số để đánh giá thành tựu, nhưng từ góc độ NĐT, điều thành công nhất chính là đã sản sinh ra một thế hệ NĐT tài chính chuyên nghiệp. Cộng đồng này đang hàng ngày tiếp lửa cho thị trường phát triển cao hơn và khiến TTCK trở nên phổ biến hơn.
Hiếm có TTCK nào mới 20 năm tuổi đã kinh qua tới 3 chu kỳ giá (bull-bear market cycle). Những thăng trầm của thị trường chính là ngôi trường đào tạo lớn nhất đối với các NĐT.
Khởi đầu gần như từ con số 0, khi hầu hết các NĐT lứa đầu tiên rất ít ỏi và hầu như chỉ biết đến TTCK qua sách vở, đến nay số lượng tài khoản chứng khoán đã lên con số trên 2,54 triệu, trong đó xấp xỉ 2,5 triệu tài khoản là của NĐT cá nhân trong nước.
Điều quan trọng hơn là trình độ của cộng đồng các NĐT ngày càng được nâng lên. Lúc này nhìn lại sự “mông muội” của các NĐT thời kỳ 2007 mới thấy sự khác biệt lớn như thế nào.
Thời kỳ đó, những phân tích tài chính cơ bản dễ dàng chấp nhận con số lạm phát hơn 28%, con số P/E của TTCK vượt ngưỡng 73 lần, nhưng sự hừng hực lạc quan vẫn tràn ngập. Sự trả giá là quá lớn khi tài sản gần như bốc hơi hết trong chu kỳ giá xuống sau đó.
Thậm chí, tâm lý chối bỏ trách nhiệm bản thân còn lớn tới mức NĐT kéo nhau lên cơ quan quản lý đòi hỏi một sự bảo đảm.
Thực tế trong khủng hoảng Covid-19 lại cho thấy một tâm lý hoàn toàn khác: NĐT đối mặt với biến động của TTCK một cách chủ động. Không cần các biện pháp “giải cứu”, thị trường đã tự cân bằng khi NĐT đánh giá đúng giá trị của doanh nghiệp và nhìn thấy cơ hội giá rẻ.
Từ đổ lỗi cho người khác, cho nguyên nhân khách quan tới việc tự chịu trách nhiệm trong đầu tư là thay đổi lớn nhất và cũng là bài học giá trị nhất mà 20 năm thăng trầm của thị trường dạy dỗ thành công. Một TTCK muốn phát triển, ngoài các yếu tố khác, thì cộng đồng NĐT có chất lượng là yếu tố mang tính quyết định.
Chất lượng NĐT được nâng lên, tính chuyên nghiệp cao hơn mới tạo điều kiện để thị trường xuất hiện đầy đủ các sản phẩm theo mô hình một thị trường phát triển. Hợp đồng tương lai chỉ số (Futures) đến tháng 8-2020 mới tròn 4 tuổi, Chứng quyền (Covered Warrant) mới chỉ hơn 1 tuổi.
Năm 2021 với hệ thống giao dịch mới, thị trường sẽ giải quyết được bài toán giao dịch trong ngày, bán cổ phiếu chờ về, bán khống. Có đầy đủ các sản phẩm chuyên nghiệp cũng đáp ứng các tiêu chuẩn để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi và thu hút dòng vốn lớn hơn của các định chế tài chính chuyên nghiệp.
Trục lợi từ TTCK và những cạm bẫy tinh vi
TTCK đã làm đúng vai trò quan trọng nhất là kênh dẫn vốn, nhưng trong mắt NĐT vẫn còn không ít những rủi ro, thậm chí là cạm bẫy - những yếu tố trục lợi cũng biến đổi theo thời gian và ngày càng tinh vi hơn.
Nếu như năm 2006, TTCK chỉ có khoảng 200 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa khoảng 221.000 tỷ đồng (tương đương 22,7% GDP năm 2006), thì đến cuối năm 2019 đã có 1.662 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường đạt 4,38 triệu tỷ đồng (tương đương 72,6% GDP năm 2019).
Giá trị huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 đạt 102.800 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cả năm 2018.
Đó là những con số minh chứng cho sự phát triển vượt bậc về quy mô của thị trường trong thời gian rất ngắn. Không chỉ vậy, thanh khoản của thị trường từ chỗ vài trăm tỷ đồng thời kỳ 2006 đã lên đến con số hàng chục ngàn tỷ đồng như tháng 6 vừa qua.
TTCK đã làm đúng vai trò quan trọng nhất là kênh dẫn vốn, nhưng trong mắt NĐT vẫn còn không ít những rủi ro, thậm chí là cạm bẫy - những yếu tố trục lợi cũng biến đổi theo thời gian và ngày càng tinh vi hơn.
Hàng hóa trên TTCK ban đầu chỉ là nhóm các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, mà chất lượng doanh nghiệp phải trải qua một quá trình xác định giá trị cẩn thận. Đó cũng là những doanh nghiệp làm thật, ăn thật.
Thế nhưng khi thị trường phát triển hơn, dòng vốn chảy trong thị trường lớn hơn, bắt đầu xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp cổ phần tư nhân “mông má” để lên sàn và sự tham lam, liều lĩnh của một bộ phận doanh nghiệp đang tạo ra các hệ lụy cho sự phát triển chung.
Chưa bao giờ NĐT lại dễ đồng ý với câu “đổi giấy lấy tiền” trên TTCK như hiện tại, khi những ông chủ doanh nghiệp nhận thấy cơ hội theo đúng nghĩa đen. Vụ việc của CTCP Mỏ và Xuất khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM) lần đầu tiên khiến NĐT “sáng mắt” khi một doanh nghiệp ảo hoàn toàn không có tài sản, không có hoạt động kinh doanh nhưng vẫn được giả mạo hồ sơ đầy đủ để đưa cổ phiếu lên sàn và bán cho các NĐT.
Khi có cơ hội “đổi giấy lấy tiền”, sẽ luôn có các công ty tăng vốn dồn dập trước khi niêm yết bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Đó có thể là tự phát hành cổ phần để mua lại những công ty “ma” với giá trên trời.
Một công ty vốn 100 tỷ đồng chỉ cần mua lại vài công ty được kê khống vốn khác (như MTM) là có thể tăng gấp đôi gấp ba vốn trên sổ sách.
Đó có thể là việc sử dụng vốn vay nóng để tăng vốn mà thực chất là vốn ảo (vì sau đó vốn vay được trả lại, đồng thời hợp thức hóa vốn tăng ảo bằng các khoản hợp tác đầu tư ra bên ngoài với những công ty, cá nhân không thể kiểm chứng). Phải mất một thời gian rất dài thị trường mới đánh giá đúng bản chất của doanh nghiệp, nhưng khi đó hệ lụy đã là quá lớn.