Trường tư dạy chương trình quốc tế học phí cao, chất lượng GD có tương xứng?

Theo các chuyên gia, đại biểu quốc hội cần công khai minh bạch thu chi trong cơ sở giáo dục gắn với trách nhiệm giải trình để đảm bảo lợi ích của người học.

Thời gian vừa qua, dư luận không khỏi xôn xao trước sự việc của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) thu học phí gần 1 tỷ đồng/năm kèm theo hình thức huy động vốn lên tới 3.600 tỷ đồng từ phụ huynh nhưng lại không có khả năng chi trả lương cho giáo viên khiến hàng nghìn học sinh phải nghỉ hè sớm.

Hay trường hợp học sinh một trường quốc tế phải nghỉ học tới 2 năm vì gia đình làm ăn khó khăn, không đủ tiền chi trả nên không thể rút học bạ để chuyển trường. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng về rủi ro khi lựa chọn trường tư thục giảng dạy các chương trình nước ngoài, trường quốc tế cho con theo học. Bởi mức học phí của các trường này luôn ở mức rất cao, có những trường lên tới 1 tỷ đồng/năm nhưng khi có bất cứ sự cố gì thì học sinh và gia đình lại là phía chịu thiệt thòi.

Điều này khiến xã hội băn khoăn, trách nhiệm để xảy ra những sự việc này thuộc về ai? Cơ quan quản lý cần có những biện pháp như thế nào để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người học?

 Phụ huynh căng băng rôn đòi nợ tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam. (Ảnh: PHCC)

Phụ huynh căng băng rôn đòi nợ tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam. (Ảnh: PHCC)

Mức học phí cao liệu có đảm bảo chất lượng giáo dục tương xứng?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Tôi đồng ý với những lo ngại của dư luận về mức học phí cao ngất ngưởng của một số trường tư thục tại Việt Nam. Mức học phí cao này cho thấy lĩnh vực giáo dục đang trở thành một thị trường đầy tiềm năng thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về tính tiếp cận giáo dục và chất lượng đào tạo”.

Đại biểu Tú Anh đặt ra một số băn khoăn về chất lượng đào tạo: Liệu mức học phí cao có đảm bảo chất lượng giáo dục tương xứng? Chương trình đào tạo tại các trường tư thục có thực sự đáp ứng được nhu cầu của học sinh và thị trường? Việc đánh giá chất lượng giáo dục tại các trường tư thục như thế nào để đảm bảo tính minh bạch và khách quan?

Theo đó, Đại biểu Tú Anh cũng cho rằng, phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố khi cho con theo học chương trình quốc tế, song ngữ. Thứ nhất, cần xác định được, học phí chương trình quốc tế thường cao hơn nhiều so với chương trình trong nước. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần tìm hiểu kỹ chương trình học, lựa chọn trường có đội ngũ giáo viên uy tín…

Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh đề nghị Nhà nước cần có những chính sách cụ thể để kiểm soát học phí hiệu quả. Song song với đó cần nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường công lập, đảm bảo tất cả học sinh đều có cơ hội tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao.

“Giáo dục là nền tảng phát triển của đất nước. Việc đảm bảo giáo dục chất lượng cao cho tất cả học sinh là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nhà nước, nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, chúng ta cần có sự minh bạch trong việc thu chi học phí của các trường tư thục. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường tư thục. Cần định hướng cho học sinh lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực và nhu cầu thị trường lao động”, Đại biểu Tú Anh nhấn mạnh.

Đại biểu cũng nhìn nhận vấn đề trong quản lý tài liệu, sách tham khảo tại một số trường tư thục hiện nay. Theo đó, một số trường tư thục sử dụng sách tham khảo có nội dung chưa phù hợp với độ tuổi, trình độ học tập của học sinh, hoặc vi phạm các quy định về giáo dục. Ví dụ, sách có nội dung bạo lực, trái với đạo đức, hoặc nội dung chưa được kiểm duyệt.

Hơn thế nữa, việc quản lý tài liệu, sách tham khảo tại một số trường tư thục còn lỏng lẻo, thiếu sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Điều này tạo điều kiện cho việc sử dụng sách tham khảo không phù hợp.

 Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: NVCC)

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: NVCC)

Theo Đại biểu Tú Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng quản lý tài liệu, sách tham khảo tại một số trường tư thục còn nhiều bất cập, bao gồm:

Thứ nhất, chưa có quy định cụ thể về việc lựa chọn, thẩm định và sử dụng tài liệu, sách tham khảo tại các trường tư thục.

Thứ hai, một số trường tư thục còn thiếu đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, chuyên môn về giáo dục, do đó chưa thể quản lý hiệu quả việc sử dụng tài liệu, sách tham khảo.

Thứ ba, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, văn hóa, thông tin và truyền thông trong việc quản lý tài liệu, sách tham khảo tại các trường tư thục còn chưa hiệu quả.

Theo đó, đại biểu Tú Anh cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý tài liệu, sách tham khảo tại các trường tư thục, xử lý nghiêm các trường vi phạm.

Nữ đại biểu đánh giá: “Việc quản lý tài liệu, sách tham khảo tại các trường tư thục cần được quan tâm đúng mức để đảm bảo chất lượng giáo dục và bảo vệ học sinh. Các giải pháp trên cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường tư thục.

Tôi nhận định vai trò quản lý của nhà nước đối với trường tư thục (hay trường mô hình quốc tế) đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và bảo vệ lợi ích cho học sinh Việt Nam”.

Để đảm bảo lợi ích cho học sinh Việt Nam và tránh lặp lại câu chuyện như ở Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, theo Đại biểu Tú Anh, cần có quy trình thẩm định hồ sơ xin cấp phép thành lập trường tư thục chặt chẽ hơn, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tài chính, chương trình đào tạo. Các trường tư thục cần công khai một cách minh bạch thông tin về học phí, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên... để phụ huynh học sinh có thể lựa chọn cho con em mình môi trường học tập phù hợp.

Đặc biệt, nhà nước cần có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các trường tư thục vi phạm các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của học sinh và sự lành mạnh của môi trường giáo dục.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh về việc lựa chọn trường học phù hợp cho con em mình.

Cần công khai, minh bạch thu chi trong cơ sở giáo dục gắn với trách nhiệm giải trình

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Nguyên nhân để xảy ra tình trạng như Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam là do các bậc phụ huynh không có nhiều kiến thức tài chính, nên quá tin tưởng vào nhà trường. Đồng thời, nhiều phụ huynh cũng không quan tâm đến hoạt động của nhà trường về khía cạnh chất lượng giáo dục, khả năng chuyên môn của quản lý trường học và so sánh với các trường quốc tế khác trên cùng địa bàn. Trong các bản hợp đồng phụ huynh có thể không quan tâm đến những điều khoản dự phòng trong các tình huống khác nhau như nhà trường bị đóng cửa hoặc có thay đổi về chất lượng hoạt động.

Về phía cơ quan quản lý địa phương, đã buông lỏng việc kiểm tra giám sát trong khuôn khổ tự chủ tài chính của nhà trường. Các báo cáo về hoạt động, tài chính và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục này có thể đã không được giám sát một cách hiệu quả..

 Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Phạm Minh

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Phạm Minh

Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, những cam kết tài chính dài hạn đưa ra mời chào các gia đình rất cần kiểm toán thường xuyên, kiểm tra tình hình tài chính và giám sát để ngăn chặn việc quản lý yếu kém hoặc gian lận.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Hiện nay mức thu học phí đối với học sinh có xu hướng ngày càng tăng. Bên cạnh học phí còn có rất nhiều khoản đóng góp khác, đã trở thành gánh nặng cho học sinh và gia đình. Nhưng thực tế việc các trường sử dụng những khoản thu đó như thế nào, có đúng mục đích phục vụ giáo dục hay không, ai là người kiểm tra, giám sát việc thu chi học phí và các khoản thu khác của cơ sở giáo dục thường không được công khai.

Thậm chí, hội đồng trường đôi khi cũng không làm hết trách nhiệm của mình. Chính vì thế, việc kiểm soát và minh bạch các khoản thu đó rất khó khăn. Việc này xảy ra ở rất nhiều trường và nhiều cấp học chứ không phải chỉ một vài trường nổi cộm trong những vụ việc gần đây. Chính vì thế, rủi ro của phụ huynh khi đầu tư một khoản tiền đóng trước cho con đi học là rất lớn”.

Cũng theo ông Ngô Văn Sửu nguyên nhân của việc này một phần là do những quy định về việc thu chi của nhà trường không rõ ràng, minh bạch, không có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý để đảm bảo xem việc thu chi có đúng hay không. Ngoài ra, vấn đề tự chủ hiện nay cũng còn nhiều bất cập.

“Tự chủ, trường tư thục không có nghĩa là muốn thu mức học phí bao nhiêu cũng được. Thu nhập của người dân còn thấp, mức học phí chỉ nên ở một giới hạn nào đó. Nếu học phí cứ ngày càng tăng, nhất là với các trường tư thục thì rất nhiều gia đình sẽ không có điều kiện cho con đi học nếu học sinh không thể thi đỗ vào trường công lập. Quan trọng là mức học phí như vậy nhưng chất lượng giáo dục thì lại rất khó biết là có xứng đáng với chi phí bỏ ra hay không?

Ví dụ, với học sinh thi vào lớp 10 hiện nay chỉ có khoảng 50-60% học sinh thi đỗ được vào các trường công lập. Các trường công hiện cũng quá tải không đủ điều kiện dạy được hết học sinh toàn thành phố. Như vậy, 30-40% học sinh còn lại sẽ phải vào các trường tư thục. Điều đáng nói là mức học phí của các trường tư thục rất cao, nhiều gia đình không có khả năng chi trả”, ông Sửu nêu quan điểm.

 Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Ngân Chi.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Ngân Chi.

Nhà trường cần có bộ phận tư vấn tài chính để tránh rủi ro cho phụ huynh

Nhiều gia đình lựa chọn cho con theo học chương trình quốc tế với mức học phí rất cao. Tuy nhiên, trước những sự việc gần đây, theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, gia đình phải lường hết hậu quả rủi ro khi đầu tư cho con vào học các trường có học phí cao. Khi gia đình phá sản thì không còn tài sản thế chấp nên không thể vay ngân hàng được. Vì thế các trường tư thục dạy chương trình quốc tế rất cần bộ phận tư vấn về tài chính cho các gia đình để giúp lường trước và hạn chế những rủi ro.

Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, các bậc phụ huynh nên cân nhắc khi lựa chọn cách thức đầu tư cho giáo dục ngoài niềm tin, kỳ vọng cần tìm hiểu rất kỹ hoặc nhờ tư vấn giáo dục, pháp lý rõ ràng, cân nhắc hết các khía cạnh lợi ích và rủi ro tiềm ẩn.

Cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành những quy định liên quan đến việc làm ổn định tài chính hạn chế rủi ro như giới hạn số tiền học phí ứng trước so với nguồn vốn của trường để tránh lạm dụng quỹ học phí đóng trước và có thể đảm bảo rằng các trường học vẫn có khả năng thanh toán và cung cấp nền giáo dục có chất lượng trong thời gian dài.

Việc giám sát của cơ quan quản lý và bên thứ 3 rất quan trọng để đảm bảo rằng nhà trường luôn tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn và những cam kết để đưa ra những cảnh báo sớm về tình hình khó khăn về tài chính hoặc các hoạt động. Đồng thời cần yêu cầu nhà trường cập nhật thông tin tài chính và hoạt động thường xuyên như một phần của thỏa thuận đầu tư. Điều này sẽ cho phép theo dõi liên tục “sức khỏe tài chính” và chất lượng giáo dục của trường. Tất nhiên, việc thực hiện các quy định như vậy sẽ cần có cơ chế giám sát và thực thi, tránh việc tạo ra gánh nặng hành chính cho cả cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Vì thế, nhà trường cần duy trì hồ sơ minh bạch về tài chính và vốn của mình và phải được kiểm toán thường xuyên.

“Cách thu học phí trọn gói trước là một cách làm của nhà trường dựa trên lòng tin của các phụ huynh vào chất lượng giáo dục và sự ổn định tài chính của nhà trường cũng như các rủi ro ở mức thấp nhất. Nhưng hiện thực lại không như vậy.

Điều đó đòi hỏi các bậc phụ huynh rất cân nhắc đầu tư một khoản vốn lớn trong nhiều năm vào học phí trả trước. Những vấn đề tài chính, năng lực quản lý chuyên nghiệp của lãnh đạo trường là vấn đề cần được quan tâm. Ngoài ra, trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng rất lớn trong việc ban hành quy định, hướng dẫn và kiểm tra giám sát “sức khỏe” tài chính cũng như chất lượng giáo dục cần đặt lên hàng đầu với mô hình đầu tư tài chính kiểu này cho giáo dục. Nếu thiếu tính chuyên nghiệp và đầu tư không tính toán không khác gì trò chơi “hụi giáo dục” không lãi suất”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

 Từ sự việc của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước các khoản đầu tư giáo dục cho con. (Ảnh minh họa: Việt Dũng).

Từ sự việc của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước các khoản đầu tư giáo dục cho con. (Ảnh minh họa: Việt Dũng).

Ông Ngô Văn Sửu cũng bày tỏ sự lo ngại trước tình hình nhiều trường tư thục dạy chương trình quốc tế. Bởi đây là chương trình riêng của nhà trường, học sinh bị phụ thuộc vào những chương trình như vậy. Nếu gia đình có rủi ro tài chính hoặc trường hợp nhà trường phá sản, rất nhiều học sinh sẽ rơi vào cảnh không biết “đi đâu về đâu”, việc học bị dở dang, khó tìm được môi trường tương tự để thay thế.

Lệ Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-tu-day-chuong-trinh-quoc-te-hoc-phi-cao-chat-luong-gd-co-tuong-xung-post243136.gd