Trung tâm 'một điểm đến đa dịch vụ' lớn nhất vùng ĐBSCL dự kiến hoạt động ra sao

Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ có tính chất đặc thù là 'một điểm đến đa dịch vụ', do đó quy mô diện tích và các chức năng hoạt động của Trung tâm rất rộng.

Theo Đề án thành lập, tổ chức và hoạt động Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP. Cần Thơ, mục tiêu chung nhằm hình thành một Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; thu hút dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản.

Mục tiêu cụ thể là ưu tiên thu hút các dự án đầu tư: nghiên cứu ứng dụng công nghệ, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa và các công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản.

Cung cấp dịch vụ hoặc hỗ trợ kết nối dịch vụ đối với các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản: tư vấn về công nghệ, sở hữu trí tuệ, pháp lý, tài chính, quản trị doanh nghiệp; dịch vụ thiết kế, hiệu chuẩn, thử nghiệm; dịch vụ đánh giá, định giá và giám định công nghệ; dịch vụ thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dịch vụ kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sử dụng; dịch vụ giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dịch vụ chứng nhận sản phẩm, hệ thống quản lý; dịch vụ công nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế phẩm sinh học; chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

Định hướng sản phẩm đầu ra của Trung tâm là sản phẩm đã được sản xuất, chế biến hoàn chỉnh

Các kho lạnh cấp vùng có thể lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên đến 90 ngày, các dự án cụ thể theo quy hoạch như: thương mại, xuất nhập khẩu; logistics và quản lý chuỗi cung ứng; cảng cạn (ICD); trung tâm đầu mối tổng hợp gắn với phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang...

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chức năng thương mại, logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản, đặc biệt là lúa gạo và thủy sản.

Về quy mô, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ (Trung tâm) có quy mô cấp vùng, tính chất đặc thù là nơi quy tụ tinh hoa ngành nông nghiệp, là “một điểm đến đa dịch vụ”, do đó quy mô diện tích và các chức năng hoạt động tại Trung tâm rất rộng.

Tuy nhiên, để tiến hành từng bước chắc chắn và thích hơp với các điều kiện thực tế, quy mô của Trung tâm dự kiến có 2 khu: Khu 1 (khoảng 50 ha, tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ), có chức năng: hành chính, quản lý và dịch vụ hỗ trợ; dịch vụ công; thương mại, xuất nhập khẩu; logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Khu 2 (khoảng 200 ha, tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ), có chức năng nghiên cứu ứng dụng công nghệ; chế biến tinh các sản phẩm nông nghiệp.

Phương hướng phát triển các chuyên ngành, lĩnh vực chính tại Trung tâm là: ngành nông nghiệp, dịch vụ logistics, nhằm tập trung và tạo điều kiện cho Trung tâm thực hiện đúng chức năng, vai trò của mình.

Trong đó, đối với ngành nông nghiệp, định hướng nguồn nguyên liệu đầu vào của Trung tâm là ưu tiên các nguyên liệu đã qua đã qua sơ chế, trên cơ sở sử dụng phần lớn từ các Trung tâm đầu mối về nông nghiệp của vùng ĐBSCL theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022. Trên tinh thần các nhà đầu tư tại các Trung tâm đầu mối tham gia chuỗi liên kết “sản xuất - chế biến” với các nhà đầu tư tại Trung tâm.

Bên cạnh đó là các sản phẩm đã được sản xuất, chế biến hoàn chỉnh từ các tỉnh trong vùng ĐBSCL và các địa phương khác nếu có nhu cầu, được đưa vào Trung tâm để phục vụ công tác bảo quản và sử dụng các dịch vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nhằm gia tăng giá trị hàng hóa, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, đồng thời phục vụ xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.

Các công nghệ đã được nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả trên thế giới và trong nước để phục vụ công tác chuyển giao công nghệ trong chuỗi liên kết “nghiên cứu - chuyển giao công nghệ”, đưa các giải pháp công nghệ đến với đơn vị có nhu cầu để phục vụ phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp...

Định hướng sản phẩm đầu ra của Trung tâm là sản phẩm đã được sản xuất, chế biến hoàn chỉnh, kết hợp với sản phẩm khác theo kết quả thực hiện của sàn giao dịch sản phẩm nông nghiệp và sàn đấu giá nông sản quốc tế. Thị trường các sản phẩm tại Trung tâm bao gồm các thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Đối với ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, với vai trò trung tâm liên kết vùng, hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Trung tâm được ưu tiên phát triển theo 4 hướng sau:

Phát triển các hoạt động tại Trung tâm: hoạch định các phân khu chức năng và kêu gọi đầu tư thực hiện đầy đủ các loại dịch vụ logistics.

Phát triển liên kết nội vùng: ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào các dự án tăng cường năng lực logistics trong vùng đăng ký hoạt động tại Trung tâm để được hưởng ưu đãi khi đóng góp các nguồn lực để nâng cao năng lực dịch vụ logistics tại bất kỳ địa phương nào trong vùng ĐBSCL.

Phát triển liên kết trong khu vực tiểu vùng sông Mekong, khu vực ASEAN: các liên kết này trên thực tế đã được hoạch định từ lâu giữa các thành viên ASEAN và trong khu vực GMS, tuy nhiên thực chất thực hiện chưa cụ thể. Việc này đòi hỏi nguồn lực đồng thời với hoạt động điều phối tầm khu vực.

Phát triển liên kết quốc tế, toàn cầu: việc này là một thách thức lớn khi mà các chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy, chi phí tăng cao, thị trường biến động. Mặc dù vậy, với lợi thế là nguồn cung nông sản thiết yếu, đây sẽ là cơ hội cho ĐBSCL gia tăng sự hiện diện trên thị trường quốc tế.

Về mô hình hoạt động và quản lý, Trung tâm là một khu vực sản xuất kinh doanh, sẽ do cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án sản xuất kinh doanh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trung tâm không phải là khu công nghiệp, dự án sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý theo quy định tại Điều 39 của Luật Đầu tư. Theo đó, không thành lập mới cơ quan quản lý nhà nước đối với Trung tâm.

Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, tại Điều 8 quy định, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập phù hợp với các quy hoạch có liên quan, để thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư tại Trung tâm.

Liên quan đến Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ, vào ngày 20/11/2023, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 9082/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của các địa phương: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trong đó, Thủ tướng giao UBND TP. Cần Thơ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 11 năm 2023; trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, hỗ trợ UBND TP. Cần Thơ hoàn thiện hồ sơ dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trúc Giang

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trung-tam-mot-diem-den-da-dich-vu-lon-nhat-vung-dbscl-du-kien-hoat-dong-ra-sao-d203794.html