Trung Quốc, Hàn Quốc chạy đua giành ưu thế về chiến đấu cơ tàng hình

Cuộc cạnh tranh đang tăng tốc giữa hai đối thủ công nghệ quân sự Bắc Á đánh dấu một ranh giới khác trong cuộc một 'Chiến tranh Lạnh' mới đang nguy cơ xuất hiện.

Nguyên mẫu đầu tiên máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 của Hàn Quốc, KF-21 Boramae, được tiết lộ tại cơ sở của Korea Aerospace Industries Co. ở Sacheon, Hàn Quốc. Ảnh: CNN

Theo trang Asia Times, các quốc gia phải sở hữu kiến thức, công nghệ và nguồn lực để chế tạo được máy bay chiến đấu nội địa - một trong những loại vũ khí phức tạp nhất. Hiện nay, cuộc đua đang tăng tốc ở châu Á nhằm phát triển thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo đã ngày càng thúc đẩy Trung Quốc so kè với Hàn Quốc.

Cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã thiết kế máy bay chiến đấu tàng hình nội địa, lần lượt là KF-21 Boramae và Chengdu J-20, nhằm lấp đầy khoảng trống năng lực tác chiến trên không hiện nay, đạt được độc lập chiến lược và sức mạnh khoa học công nghệ trên các đấu trường khu vực và quốc tế.

Tháng trước, Hàn Quốc đã gia nhập câu lạc bộ các quốc gia phát triển máy bay chiến đấu tiên tiến khi hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của KF-21 Boramae.

Trang Defense News cho hay, chiếc KF-21 cất cánh từ một căn cứ không quân Hàn Quốc ở Sacheon, mang theo 4 tên lửa Meteor và bay với tốc độ 400km/h trong 30 phút để kiểm tra các chức năng cần thiết của khung máy bay.

KF-21 là máy bay thế hệ 4,5 với các khả năng tiên tiến, như radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), liên kết dữ liệu dung lượng cao, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và khả năng triển khai các loại vũ khí có thể dự đoán tình huống.

Tuy nhiên, không giống như các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, chiếc KF-21 thiếu khoang chứa vũ khí bên trong, buộc nó phải mang theo đạn dược ở bên ngoài, điều này có thể ảnh hưởng đến đặc tính tàng hình và khả năng xử lý của máy bay.

Mặc dù được quảng cáo là một thiết kế hoàn toàn nội địa, với tỉ lệ cao các thành phần do Hàn Quốc tự sản xuất, nhưng KF-21 có thể mang các dấu hiệu thiết kế từ F-35 của Mỹ, thể hiện qua sự giống nhau nổi bật giữa hai dòng máy bay này.

Hàn Quốc đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm thành công đầu tiên của KF-21 Boramae. Ảnh: KAI

Ngoài ra, chiếc KF-21 còn được trang bị hai động cơ General Electric F414 do Mỹ sản xuất, giúp chi phí vận hành thấp hơn do năng lượng tiêu hao thấp hơn các động cơ khác trên chiến đấu cơ thế hệ 4,5 hoặc 5 tương đương.

Hàn Quốc có thể chào bán KF-21 cho các khách hàng nước ngoài. Indonesia đã bày tỏ quan tâm đến việc mua loại máy bay này và cam kết gánh 20% chi phí phát triển.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang phát triển loại chiến đấu cơ tương tự. Năm 2010, J-20 trở thành tàng hình cơ đầu tiên của nước này được ra mắt công chúng.

Chuyên gia Carlo Kopp tại tổ chức tư vấn Air Power Australia cho biết, J-20 được thiết kế để cạnh tranh với F-22 của Mỹ. Ông Kopp nghi ngờ Trung Quốc có thể đã có được thông tin thiết kế của F-22.

J-20 được cho là có thể triển khai vũ khí hiện tại hoặc trong tương lai của Trung Quốc hay Nga. Nó được trang bị khoang vũ khí bên trong, một đặc điểm quan trọng của chiến đấu cơ thế hệ 5, cho phép bảo vệ tính năng tàng hình, vượt trội hơn thế hệ 4,5 như KF-21.

Chuyên gia Kopp lưu ý rằng mặc dù J-20 có khả năng tàng hình rất tốt, nhưng vẫn chưa rõ liệu các thành phần khác của máy bay, như động cơ, hệ thống điện tử hàng không và vật liệu composite có cho phép nó cạnh tranh với F-22 hay không.

Tàng hình cơ J-20 của Trung Quốc được thiết kế với khả năng hoạt động trên những vùng biển rộng lớn. Ảnh: Asiatimes

Hiện tại, J-20 còn bị hạn chế bởi Trung Quốc không có khả năng sản xuất động cơ phản lực chất lượng cao. Những chiếc J-20 với động cơ phản lực của Nga hoặc Trung Quốc hiện tại không đủ mạnh, khiến máy bay dễ bị tổn thương trong không chiến với các đối thủ Mỹ, và không cho phép nâng cấp trong tương lai với các vũ khí năng lượng hoặc khả năng tùy chọn có người lái.

Tuy nhiên, J-20 có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với F-22 nếu công nghệ của Trung Quốc ở những lĩnh vực nói trên phát triển mạnh hơn. Hiện tại, ông Kopp cho rằng J-20 hơn hẳn F-35 và F/A-18E/F của Mỹ.

Giả sử công nghệ động cơ phản lực của Trung Quốc phát triển đủ mạnh để cho ra lò động cơ phản lực có khả năng siêu hành trình bền vững, J-20 sẽ có thể né tránh hầu hết các hệ thống tên lửa đất đối không ở Thái Bình Dương và sẽ nằm ngoài tầm bắn của hầu hết các chiến đấu cơ trong khu vực, ngoại trừ F-22.

Vì lẽ đó, Trung Quốc đã tập trung nhiều nỗ lực vào việc cải tiến công nghệ động cơ phản lực, với những chiếc J-20 sau này được trang bị WS-15, động cơ được cho là có thể sánh với Saturn 30 của Nga được sử dụng trên Su-57 và Pratt Whitney F119 của Mỹ trên F-22.

Khi so sánh KF-21 của Hàn Quốc với J-20 của Trung Quốc, chiếc KF-21 dường như thể hiện lối tiếp cận mục đích rộng hơn ở phần thiết kế, giống như F-35. Quy mô hoạt động tương đối nhỏ của bán đảo Triều Tiên có thể dẫn đến giảm nhu cầu về tầm bắn mở rộng cho KF-21.

Ngược lại, J-20 có thể được thiết kế để hoạt động trên phạm vi rộng lớn của Biển Đông và Thái Bình Dương. Do đó, nó được thiết kế với tầm bắn mở rộng hơn cho các sứ mạng tấn công tầm xa.

J-20, với khoang vũ khí bên trong, có thể hiệu quả hơn KF-21 trong xâm nhập vùng trời được bảo vệ của đối phương. Trang bị động cơ mạnh mẽ hơn, với các đặc tính tàng hình vượt trội, J-20 cũng có thể có lợi thế nhất định trong không chiến.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asiatimes)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-han-quoc-chay-dua-gianh-uu-the-ve-chien-dau-co-tang-hinh-20220802154236370.htm