Trung Quốc điều tra chống bán phá giá thịt lợn từ EU

Ngày 17/6, chính phủ Trung Quốc mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu và các sản phẩm phụ từ Liên minh châu Âu, đặc biệt là từ Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp và Đan Mạch - các nước xuất khẩu hàng đầu mặt hàng này.

Một khu chợ tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Một khu chợ tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, cuộc điều tra do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố hôm 17/6 sẽ tập trung vào các sản phẩm thịt lợn cho con người tiêu thụ, ví dụ như thịt lợn nguyên miếng tươi, ướp lạnh và đông lạnh, cũng như các sản phẩm nội tạng như lòng hay dạ dày.

Cuộc điều tra này được tiến hành sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc nhận được một đơn khiếu nại do Hiệp hội Chăn nuôi Trung Quốc gửi vào ngày 6/6 thay mặt cho ngành thịt lợn trong nước. Thông thường, chính phủ sẽ tiến hành áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu nếu mặt hàng đó bị nghi ngờ được bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.

Cơ quan này cho biết cuộc điều tra sẽ được hoàn thành trước ngày 17/6/2025, tuy nhiên có thể kéo dài thêm 6 tháng nếu được yêu cầu. Các nhà sản xuất thịt lợn châu Âu vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu miễn thuế sang Trung Quốc trong khi cuộc điều tra đang được tiến hành cũng như chờ quyết định và thông báo thuế quan từ phía Trung Quốc.

Theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc, quốc gia này nhập khẩu lượng thịt lợn trị giá 6 tỷ USD bao gồm cả nội tạng trong năm 2023, với EU chiếm hơn một nửa. Trong đó, Tây Ban Nha chiếm 1,5 tỷ USD, gần gấp 3 lần so với Hà Lan và Đan Mạch – các quốc gia đứng thứ 2 và thứ 3 với khối lượng xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc lần lượt đạt 620 triệu USD và 550 triệu USD.

Động thái này của Trung Quốc được công bố trong bối cảnh Ủy ban châu Âu ngày 12/6 tuyên bố tiến hành áp thuế bổ sung lên tới 38% đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất tăng thuế tạm thời 17,4% đối với BYD, 20% đối với Geely và 38,1% đối với SAIC. Về phần nguyên nhân cho sự khác biệt, các nhà lãnh đạo EU cho biết số thuế phụ thuộc vào mức trợ cấp nhà nước mà các công ty nhận được.

Mức thuế quan trên sẽ được áp dụng tạm thời từ ngày 4/7 và sau đó chính thức áp dụng từ tháng 11 tới trừ khi 15 quốc gia đại diện cho ít nhất 65% dân số của khối bỏ phiếu chống lại động thái này.

Động thái nâng thuế của EU xuất phát từ cáo buộc “trợ cấp không công bằng” của chính phủ Trung Quốc cho ngành xe điện – hành động được khối này cho rằng “đang gây ra mối đe dọa thiệt hại kinh tế” cho các nhà sản xuất ô tô điện của mình, đặc biệt là khi ngành công nghiệp ô tô đang dần chuyển đối xanh.

EU muốn ngăn chặn những gì họ cho là hành vi không công bằng làm giảm giá thành của các nhà sản xuất ô tô châu Âu vốn phải đối mặt với thời hạn năm 2035 để loại bỏ dần doanh số bán ô tô động cơ đốt trong mới.

Bộ thương mại Trung Quốc không đưa ra thêm thông tin cụ thể nào liên quan tới các biện pháp trả đũa. Tuy nhiên, các hãng truyền thông nước này trước đây đã từng đưa tin rằng Bắc Kinh có thể nhắm mục tiêu vào hàng xuất khẩu của EU, bao gồm thịt lợn và các sản phẩm từ sữa.

Cụ thể, tờ Global Times hồi cuối tháng 5 vừa qua đưa tin rằng các công ty Trung Quốc có kế hoạch yêu cầu cơ quan chức năng mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thịt lợn châu Âu, trích dẫn một “người trong cuộc” không xác định danh tính.

Tới 8/6, tờ này tiếp tục trích dẫn nguồn tin cho biết các quan chức sẽ điều tra sữa nhập khẩu từ châu Âu. Hồi tháng 1/2024, chính phủ Trung Quốc cũng đã phát động một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm rượu mạnh nhập khẩu từ EU.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trung-quoc-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-thit-lon-tu-eu-post35772.html