Triều cường ở TP Hồ Chí Minh đạt đỉnh kỷ lục mới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trong một, hai ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm; tại các trạm hạ lưu lên trên báo động 3 từ 0,1 - 0,3 m, sau đó xuống.

Lực lượng chức năng khắc phục sự cố vỡ bờ bao trong ngày 30-9, trên địa bàn phường 15, quận 8 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: CHÍ THẠCH

Lực lượng chức năng khắc phục sự cố vỡ bờ bao trong ngày 30-9, trên địa bàn phường 15, quận 8 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: CHÍ THẠCH

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trong một, hai ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm; tại các trạm hạ lưu lên trên báo động 3 từ 0,1 - 0,3 m, sau đó xuống.

Đến ngày 10-10, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu xuống mức 3,0 m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc xuống mức 2,8 m, tại các trạm hạ lưu xuống dưới mức báo động 1, sau đó biến đổi chậm theo triều. Trong một, hai ngày tới, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao và sạt lở bờ sông tại các tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ.

* Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 30-9, triều cường ở TP Hồ Chí Minh đạt đỉnh kỷ lục mới với mực nước tại trạm Phú An dự kiến đạt 1,75 m, trạm Nhà Bè đạt 1,77 m, vượt báo động 3 (1,5 m). Đỉnh triều này đã cao hơn đỉnh triều dự báo vào ngày 29-9 với mực 1,66m tại trạm Phú An và 1,65 m tại Nhà Bè, vượt báo động 3 (1,5 m) làm nhiều tuyến đường ở gần sông, rạch thuộc khu vực các quận 2, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè ngập sâu, sinh hoạt, lưu thông đi lại của người dân hết sức khó khăn.

* Liên quan đến sự cố vỡ bờ bao trên địa bàn phường 15, quận 8 (TP Hồ Chí Minh) đêm 29-9 gây ngập nặng, sáng 30-9 các đơn vị thi công tiến hành chặn đoạn kè bị vỡ, dùng máy bơm hút nước từ phía trong ra ngoài. Chiều cùng ngày, khu vực bên trong bờ bao không bị ngập nước. Chính quyền địa phương cử lực lượng nắm tình hình, thăm hỏi người dân, thống kê thiệt hại, đồng thời vận động người dân phối hợp chính quyền nhanh chóng khắc phục sự cố.

* Đợt triều cường dâng cao trong ngày 29 và rạng sáng 30-9 tại tỉnh Bến Tre đã ảnh hưởng đến các xã Vĩnh Bình, Phú Phụng, Tân Thiềng, Long Thới, Hòa Nghĩa, Sơn Định và thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách), làm tràn hơn 1.000 m bờ đê, đê bao cục bộ và hơn 100 hadiện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ngập nước. Tại huyện Mỏ Cày Bắc, triều cường gây ngập úng khoảng 40.000 cây sầu riêng ở xã Hưng Khánh Trung A; 120 m đường giao thông nông thôn xã Khánh Thạnh Tân bị sạt lở và làm tràn nước hơn 1.400 m đường đê bao, bờ bao cục bộ ở một số xã. Triều cường cũng gây sạt lở khoảng 50 m đê bao và nước tràn đê ở các xã Tân Phú, Thành Triệu và Phú Đức (huyện Châu Thành).

* Ngày 30-9, tỉnh Cà Mau cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tỉnh có kế hoạch di dời, bố trí lại dân cư ven sông, kênh, rạch giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2025. Qua rà soát, toàn tỉnh có khoảng 6.700 hộ dân ở ven sông, kênh, rạch cần được di dời đến nơi ở mới; trong đó, phần lớn là những hộ dân thuộc vùng ven biển của các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi.

* Ngày 30-9, triều cường trên sông Hậu tiếp tục dâng cao, vượt báo động 3 hơn 15 cm, khiến nhiều khu vực trũng tại TP Cần Thơ bị ngập sâu. Triều cường dâng cao làm vỡ một đoạn đê khoảng 10 m ở cồn Khương (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) làm ngập nhà cửa, vườn cây của hàng chục hộ dân. Nước dâng cao uy hiếp tuyến đê bao cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt) xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún nguy cơ sạt lở cao. Đây là đợt triều cường, gây ngập sâu nhất trong năm. Theo dự báo triều cường trên sông Hậu tiếp tục duy trì mức cao trong hai, ba ngày tới và sẽ xuống dần. Người dân, các cơ quan cần chủ động có kế hoạch sắp xếp công việc hợp lý tránh triều cường, hạn chế thiệt hại.

* Sáng 30-9, triều cường lên cao, nước từ hệ thống cống thoát nước và hệ thống thu gom xử lý nước thải trên địa bàn TP Long Xuyên, tỉnh An Giang trào ngược lên khiến nhiều tuyến đường ở thành phố bị ngập sâu, giao thông ùn tắc, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Trong những ngày tới, triều cường có khả năng tiếp tục lên cao, nguy cơ xảy ra ngập lụt còn tiếp diễn, do đó người dân cần chủ động các biện pháp để ứng phó, hạn chế thiệt hại.

* Theo dự báo, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 sẽ đạt đỉnh vào đầu tháng 10 với mực nước trên mức báo động 1 khoảng 0,2 m và sau đó sẽ giảm nhanh. Trong bối cảnh lũ thấp cộng thêm lượng mưa ít, tình hình hạn, mặn năm 2020 được dự báo sẽ đến sớm và nặng hơn trung bình nhiều năm. Do đó, ngành nông nghiệp đã lên kế hoạch xuống giống sớm vụ lúa đông xuân 2019-2020 ở khu vực này nhằm “né” hạn, mặn khốc liệt có thể xảy ra trong mùa khô năm 2020. Cùng với đó, khung thời vụ cũng sẽ được đẩy sớm ngay từ đầu tháng 10. Những địa phương vùng ven biển có nguy cơ hạn cuối vụ như: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… sẽ xuống giống sớm, từ ngày 10 đến 30-10 với diện tích khoảng 400.000 ha, tăng hơn cùng kỳ khoảng 150.000 ha.

* Ngày 30-9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, ngành chăn nuôi tỉnh từ đầu năm đến nay gặp khá nhiều khó khăn, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Theo thống kê, đến ngày 24-9, toàn tỉnh xuất hiện 1.186 điểm dịch tại 129 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn đã tiêu hủy trên địa bàn tỉnh 27.250 con, trọng lượng lợn tiêu hủy là 1.736.944 kg; đã có 32 xã, phường, thị trấn đã qua dịch bệnh 30 ngày nhưng có dịch tái phát. Hiện, tỉnh đang triển khai hỗ trợ các hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41745502-trieu-cuong-o-tp-ho-chi-minh-dat-dinh-ky-luc-moi.html