Triển vọng đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam phải hiện đại, đồng bộ, bền vững
Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt cao tốc (ĐSCT) trên trục Bắc - Nam có quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm với chiều dài khoảng 1.545 km, lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Trình Bộ Chính trị đề án trong tháng 3
Ngày 19-2, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 57/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ (TTCP) tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. TTCP yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp, khẩn trương hoàn thiện đề án. Trong đó, lưu ý việc xây dựng tuyến ĐSCT phải bảo đảm yếu tố hiện đại, đồng bộ, bền vững theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW. TTCP cũng yêu cầu nghiên cứu việc mở rộng phạm vi thêm đoạn tuyến TP HCM - Cần Thơ.
Về kịch bản đầu tư, TTCP yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi để lựa chọn phương án phù hợp (so sánh phương án đồng thời vận tải hành khách và vận tải hàng hóa; phương án chỉ vận tải hành khách); tuyến ĐSCT trên trục Bắc - Nam vận tải hành khách, còn hàng hóa vận tải bằng đường biển (cảng biển, bến thủy nội địa) và nâng cấp tuyến đường sắt hiện có.
Về giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo đúng tinh thần Kết luận số 49-KL/TW. Tập trung hoàn thiện thể chế; cơ chế huy động nguồn lực - ngân sách nhà nước là chính nhưng cần tổng hợp các nguồn lực với việc kết hợp nguồn thu từ giá trị gia tăng phát triển đô thị, kêu gọi xã hội hóa, thu hút vốn tư nhân đầu tư đầu máy, toa xe...
TTCP giao Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ kinh nghiệm trong ngành đường sắt về nhiều phương án để lựa chọn một phương án tối ưu trình Bộ Chính trị. Khẩn trương hoàn thiện đề án, trình TTCP, Bộ Chính trị trong tháng 3. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.
Cuối năm 2023, Bộ GTVT đã trình TTCP đề án chủ trương đầu tư tuyến ĐSCT trên trục Bắc - Nam để Chính phủ tiếp tục xem xét cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua. Trong đó, Bộ GTVT đưa ra nhiều kịch bản.
Kịch bản 3 như sau: Đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD. Theo kịch bản này, nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỉ USD.
Ưu điểm của kịch bản này là tàu vận tải riêng hành khách nên tốc độ cao, tiện nghi, an toàn, có khả năng cạnh tranh với phương tiện khác.
Trên cơ sở phân tích, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn kịch bản 3 cùng một số cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn tiến độ, huy động vốn đầu tư, đào tạo nhân lực.
Nên chọn tuyến đạt tốc độ trên 300 km/giờ
Trong văn bản góp ý dự thảo đề án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị lựa chọn kịch bản 3. Tuy nhiên, dự án có chiều dài 1.545 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong khi đó, các địa phương đang trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các đồ án quy hoạch xây dựng.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các địa phương có dự án chạy qua để giữ nguyên thỏa thuận hướng tuyến, tránh phải điều chỉnh hướng tuyến làm phát sinh chi phí đầu tư. Bộ Xây dựng cũng lưu ý Bộ GTVT cần bổ sung các căn cứ pháp lý để đề xuất sơ bộ tổng vốn đầu tư.
PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, ủng hộ phương án xây dựng tuyến ĐSCT tiếp cận công nghệ hiện đại nhất để đạt tốc độ chạy tàu trên 300 km/giờ, bởi nếu tốc độ chỉ 200 - 250 km/giờ thì sau này nâng cấp trên 300 km/giờ sẽ phải làm lại từ đầu, tốn kém. "Nếu tốc độ chạy tàu chỉ 200 km/giờ, đường sắt vừa "lép vế" so với hàng không, phải cạnh tranh với đường bộ, rất khó bảo đảm hiệu quả khai thác" - ông Chủng nói. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Bộ GTVT cần phân tích kỹ kịch bản 3 trên cơ sở tính toán nhu cầu, đối tượng phục vụ, điều kiện yêu cầu kỹ thuật.
Tại một hội thảo lấy ý kiến về dự thảo đề án vừa tổ chức mới đây, PGS-TS Doãn Minh Tâm, nghiên cứu viên cao cấp chuyên ngành giao thông, cho rằng chỉ tập trung vào lựa chọn theo 2 phương án, đó là: Không đầu tư xây dựng ngay ĐSCT 350 km/giờ, thay vào đó chỉ lựa chọn đầu tư xây dựng ĐSCT 200 - 250 km/giờ đi riêng hoặc đường sắt tiêu chuẩn 150 km/giờ, đi chung.
Theo GS-TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, phải xác định được nhu cầu của xã hội, của nền kinh tế đối với ngành đường sắt là gì thì mới có được hướng đầu tư đúng đắn. Hiện nhu cầu vận tải hành khách rất lớn nhưng đòi hỏi về vận tải hàng hóa cũng đang hết sức bức thiết trên trục Bắc - Nam. Hơn nữa, việc đầu tư ĐSCT với vận tốc 350 km/giờ chỉ để chở khách là một lựa chọn nhiều rủi ro cả về tài chính lẫn kỹ thuật. Do đó đầu tư ĐSCT Bắc - Nam làm ra để vừa chở khách vừa chở hàng là một lựa chọn tối ưu và đường sắt với tốc độ 200 - 250 km/giờ cho phép chạy hỗn hợp cả tàu khách và tàu hàng sẽ tăng năng lực vận tải của ngành đường sắt trong tương lai, khắc phục bất cập hiện nay.
Theo định nghĩa trong Luật Đường sắt năm 2017, ĐSCT có tốc độ thiết kế từ 200 km/giờ trở lên, có khổ đường 1.435 mm, đường đôi, điện khí hóa. Hiện Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi). Về lựa chọn công nghệ, trong báo cáo tổng kết Luật Đường sắt năm 2017, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết cơ bản các nước đều lựa chọn loại hình ĐSCT chạy trên ray (thế giới có 3 loại: chạy trên ray, trên đệm từ trường, trong ống) vì mức độ tin cậy, hiệu quả, thuận lợi kết nối với tuyến đường sắt hiện hữu và đang nghiên cứu nâng cao tốc độ khai thác; sử dụng cả công nghệ động lực phân tán và tập trung tùy theo phương án khai thác.
Về lựa chọn phương án khai thác, theo Bộ GTVT, kinh nghiệm các quốc gia cho thấy khi xây dựng tuyến đường sắt mới, việc khai thác riêng tàu khách hay chung tàu khách và tàu hàng được quyết định trên cơ sở nhu cầu vận tải, mức độ an toàn, khai thác đường sắt hiện hữu. Đối với ĐSCT, đến nay cơ bản các quốc gia đều tổ chức khai thác riêng tàu khách; các tuyến đường sắt hiện hữu vẫn tiếp tục khai thác có hiệu quả.
Khởi công trước năm 2030
Kết luận số 49-KL/TW ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án ĐSCT Bắc - Nam và khởi công trước năm 2030. Các đoạn ĐSCT Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026 - 2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến ĐSCT Bắc - Nam trước năm 2045.
Bài học từ Anh và Trung Quốc
Trung Quốc đã đưa vào vận hành hơn 45.000 km ĐSCT, nhiều hơn tổng độ dài của mạng lưới đang hoạt động ở phần còn lại của thế giới. Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Nam Á Martin Raiser khẳng định với báo The Washington Post rằng tác động của ĐSCT ở Trung Quốc còn gồm những chuyển biến về mô hình phát triển đô thị, tăng trưởng du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo nghiên cứu của WB, Trung Quốc xây dựng Kế hoạch đường sắt trung và dài hạn (MLTRP) với tầm nhìn 15 năm nhằm cung cấp khuôn tham chiếu rõ ràng. MLTRP được thực hiện thông qua chuỗi kế hoạch 5 năm, vốn được xây dựng nhằm trình bày chi tiết chương trình làm việc của từng giai đoạn trong kế hoạch dài hạn. Khi được thông qua, những kế hoạch này hiếm khi thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền địa phương, cũng như ngành xây dựng và cung ứng lên kế hoạch hành động. Nghiên cứu của WB lưu ý các quốc gia có dân số nhỏ hơn cần lựa chọn tuyến đường sắt một cách cẩn thận, bảo đảm cân bằng giữa lợi ích kinh tế - xã hội và khả năng tài chính. Chi phí xây dựng ĐSCT của Trung Quốc khoảng 17-21 triệu USD/km - bằng khoảng 2/3 chi phí ở các nước khác, phần lớn nhờ tiêu chuẩn hóa thiết kế và quy trình.
Các quốc gia đang phát triển cũng có thể học tập kinh nghiệm xây dựng ĐSCT từ HS1 - tuyến ĐSCT đầu tiên ở Anh. Đến thời điểm hiện tại, HS1 vẫn là một trong những tuyến ĐSCT vận hành trơn tru và đáng tin cậy nhất ở Anh. Phần lớn hành khách di chuyển qua lại giữa London (Anh), Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ) sử dụng HS1 thay vì đường hàng không. Tuyến đường sắt này còn hỗ trợ hơn 541 triệu USD lợi ích kinh tế mỗi năm cho Anh và châu Âu. Điều này sẽ không xảy ra nếu giới hoạch định tập trung vào chi phí ban đầu, thay vì giá trị trọn đời của dự án. Khi lập kế hoạch cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, theo Công ty Kiến trúc Arup (Anh), điều quan trọng là phải nghĩ xa hơn bản thân dự án để đánh giá lợi ích lâu dài mang lại cho cộng đồng, kinh tế và môi trường.
C.Lực
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trien-vong-duong-sat-cao-toc-bac-nam-196240224204909544.htm